Hãng tin AFP cho biết, 3 ngày sau khi siêu bão Haiyan tấn công Philippines, giết chết hơn 10.000 người, những người còn sống sót đang khắc khoải chờ nhận được viện trợ, trong khi chính quyền phải vật lộn để đối phó với thảm họa thiên nhiên được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước này.

Quy mô tàn phá mang tính hủy diệt của siêu bão Haiyan dần trở nên rõ ràng hơn. Các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực để trợ giúp những người sống sót sau thảm họa này.

nguoi-dan.jpg
Người dân tranh dành hàng hóa được cướp phá từ các trung tâm thương mại ở Tacloban (Ảnh: AFP)

Người dân đang trở nên bạo lực hơn vì đói khát

Hàng trăm cảnh sát và binh lính sẽ được triển khai tới thành phố Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte để ngăn chặn tình trạng cướp bóc, hôi của. Trong khi đó, Mỹ cũng đã gửi lực lượng quân sự tới trợ giúp theo yêu cầu của Chính phủ Philippines.

"Tacloban hoàn toàn bị phá hủy. Một số người đang trở nên mất trí vì đói khát hoặc mất đi gia đình, người thân", Andrew Pomeda, 36 tuổi, giáo viên một trường trung học tại Tacloban nói với AFP hôm 10/11. Pomeda cũng cảnh báo về sự tuyệt vọng ngày càng tăng của những người sống sót sau bão Haiyan.

"Mọi người ngày càng trở nên bạo lực hơn. Họ cướp bóc các cơ sở kinh doanh, các trung tâm thương mại chỉ để tìm thức ăn, gạo, sữa... Tôi sợ rằng trong một tuần nữa, mọi người sẽ chết vì đói".

"Hiện tôi không có nhà, và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết khác. Tôi không biết sẽ bắt đầu lại cuộc sống từ đâu", một phụ nữ cho biết. "Chúng tôi đang rất cần sự cứu giúp”.

Hội Chữ thập đỏ Philippines cho biết, những nỗ lực cứu trợ đang bị cản trở bởi nạn cướp bóc, trong đó có một số người đã tấn công xe tải chở lương thực và các nhu yếu phẩm khác được chuyển đến Tacloban từ cảng miền nam Davao.

Những người sống sót xếp hàng chờ lấy nước tại một vòi nước công cộng ở Tacloban (Ảnh: Reuters)
Phát biểu sau khi đến thị sát tại thành phố Tacloban hôm 10/11, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino cho biết: Cướp bóc đã trở thành một mối quan tâm lớn sau khi chỉ có 20 trong tổng số 390 cảnh sát của thành phố này quay trở lại làm việc.

"Chúng tôi sẽ gửi khoảng 300 cảnh sát và binh lính đến Tacloban để lập lại trật tự ở thành phố này", ông Aquino nói.

Công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc hôm 10/11 đã đưa ra cảnh báo có khoảng 4 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi cơn bão Haiyan.

"Chúng tôi đang gấp rút để có được nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề của thảm họa này", đại diện UNICEF tại Philippines Tomoo Hozumi nói.

"Việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão hiện rất khó khăn", ông Hozumi nói. "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để chạy đua với thời gian".

Hiện chính quyền Philippines đang nỗ lực để đánh giá hậu quả của thiên tai, nhằm đưa ra những biện pháp cần thiết. Cảnh sát trưởng Leyte, Elmer Soria nói rằng, ước tính ban đầu cho thấy, 10.000 người đã thiệt mạng tại tỉnh Leyte.

Ông Elmer Soria cũng nói với các phóng viên có mặt tại Tacloban rằng, bão Haiyan đã phá hủy tới 80% các công trình xây dựng trên đường đi của nó.

Tại địa phương lân cận Leyte là Samar, ước tính 300 người đã thiệt mạng tại thị trấn nhỏ Basey khi bão Haiyan quét qua. 2.000 người khác hiện vẫn mất tích. Samar là địa điểm đầu tiên bão Haiyan tấn công.

Người dân xếp hàng dài chờ được nhận viện trợ (Ảnh: AFP)

Các nỗ lực cứu trợ quốc tế khẩn cấp cho Philppines đang được tiến hành khẩn trương. Tại Washington, Lầu Năm Góc thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã trả lời yêu cầu trợ giúp từ Philippines và chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ triển khai các nguồn lực cần thiết.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông rất buồn khi biết tin về hậu quả bão Haiyan gây ra cho người dân Philippines, đồng thời cho biết, Washington sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu trợ của chính phủ Philippines nhằm phục hồi những khu vực bị bão tàn phá.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cho biết, các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc sẽ "đáp ứng nhanh chóng” mọi nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ gửi 3 triệu euro (4 triệu USD) để giúp Philippines cứu trợ các nạn nhân.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã gọi điện chia buồn với Tổng thống Aquino và cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 6 triệu bảng Anh (9,6 triệu USD) giúp Philippines khắc phục hậu quả thiên tai./.