Dù khẳng định là nhằm hỗ trợ nước bạn bè “ngăn chặn một thảm họa nhân đạo”, song không khó để nhận ra, nước Pháp đang trên đường tìm lại ảnh hưởng tại châu lục từng là thuộc địa của Pháp trước đây.

Được chuẩn bị ráo riết từ nhiều ngày qua, song kế hoạch can thiệp quân sự vào Cộng hòa Trung Phi chỉ chính thức bắt đầu sau phiên họp của Hội đồng Quốc phòng ở thủ đô Paris ngày 5/12 vừa qua.

africa_copy.jpg
Quân đội Pháp tại Trung Phi (Ảnh AP)

Từng là thuộc địa của Pháp và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Cộng hòa Trung Phi rơi vào bất ổn sau khi lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi đầu năm nay, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia châu Phi này.

Cũng giống như cuộc can thiệp vào Mali hồi đầu năm, chính phủ Pháp đã thúc giục cộng đồng quốc tế can thiệp vào Cộng hòa Trung Phi để ngăn chặn nguy cơ một thảm họa nhân đạo, cũng như nguy cơ chủ nghĩa khủng bố lây lan, gây bất ổn toàn khu vực.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 7/12 với kênh truyền hình Pháp France 24, Tổng thống Pháp Francois Hollande một lần nữa khẳng định lập trường này: “Nước Pháp không hề đơn độc trong cuộc chiến này. Quân đội Pháp có mặt tại Cộng hòa Trung Phi để chấm dứt một cuộc xung đột nghiêm trọng và để ngăn trọng một thảm họa nhân đạo. Chúng ta không thể tiếp tục ngồi yên để chứng kiến sự gia tăng các vụ bạo lực, cũng như khủng bố”.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Pháp cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy Cộng hòa Trung Phi tổ chức tổng tuyển cử trước năm 2015.

“Chiến dịch can thiệp của Pháp có thể diễn ra nhanh chóng và kéo dài trong khoảng 6 tháng. Như tôi dã nói với người dân Trung Phi, cũng như Thủ tướng nước này rằng, Pháp ủng hộ ý tưởng thúc đẩy các cuộc bầu cử trước năm 2015 để đất nước sớm đi vào ổn định”, ông Hollande tuyên bố.

Theo Tổng thống Hollande, Pháp có mặt ở Cộng hòa Trung Phi không phải để thay thế các lực lượng của châu Phi mà là để tăng cường cho các lực lượng này, hoàn toàn khác với các hoạt động được triển khai tại Mali, nơi quân đội Pháp đã trực tiếp tham gia chiến đấu chống lại các lực lượng vũ trang Hồi giáo.

Thực chất, cả hai chiến dịch này đều cho thấy quyết tâm của Pháp tìm lại ảnh hưởng tại châu lục nói riêng, cũng như tăng cường vai trò trên trường quốc tế nói chung. Bởi song song với các cam kết về quân sự, thời gian gần đây, Pháp cũng thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước châu Phi.

Hồi giữa tuần này, Pháp cũng đã diễn ra một hội nghị cấp cao Pháp-Châu Phi nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế của Pháp với châu lục, trong bối cảnh ảnh hưởng của Pháp tại khu vực đang suy giảm trước các cường quốc mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Chính phủ Pháp đã kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tăng gấp đôi trao đổi thương mại với châu Phi khi mà dấu ấn kinh tế của Pháp tại châu lục giàu tiềm năng này đang ngày càng mờ nhạt./.