Lãnh đạo chuyển tiếp Cộng hòa Trung Phi Michel Djotodia vừa bác bỏ những cảnh báo của EU rằng, nước này đang trên bờ vực của sự diệt chủng và chiến tranh tôn giáo. Ông Djotodia đồng thời khẳng định không cần đến sự can thiệp của Liên Hợp Quốc vào tình hình nước này.  

Mặc dù ông Djotodia đã giải tán Liên minh nổi dậy - nhóm từng bị cáo buộc gây nên  tình trạng hỗn loạn của đất nước, song đến nay chính phủ lâm thời Trung Phi vẫn thất bại trong việc kiểm soát tình hình đất nước.

Trong bối cảnh các cuộc xung đột tôn giáo ngày càng nghiêm trọng, Hội đồng Bảo an LHQ buộc phải kêu gọi một Nghị quyết về triển khai một lực lượng quốc tế nhằm ổn định tình hình tại quốc gia nghèo khó nhưng giàu khoáng sản này.

Phát biểu tại một căn cứ quân đội ở Camp đe Roux, ông Djotodia phủ nhận những lo ngại cho rằng Cộng hòa Trung Phi đang đứng trước thảm họa diệt chủng và chiến tranh tôn giáo. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng đó là sự diệt chủng, thậm chí không phải là chiến tranh tôn giáo. Tất cả chỉ là sự bịa đặt nhằm lôi kéo sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Thực tế, lực lượng ủng hộ chế độ cũ đang cố tình châm ngòi cho sự bất ổn trong nước… Tôi cho rằng, quốc tế cần chú ý đến vấn đề này”.

Nhà lãnh đạo lâm thời này khẳng định: Trung Phi không cần tới một nghị quyết can thiệp quân sự của LHQ mà chỉ cần sự trợ giúp của quân đội Pháp cùng với Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (MISKA).

Hiện, Pháp đang có kế hoạch điều thêm 1.000 quân tới quốc gia từng là thuộc địa của mình, ngay sau khi Hội động Bảo an LHQ thông qua một Nghị quyết, dự kiến vào tuần tới.  

Ngoài ra, Liên minh châu Phi cũng sẽ chính thức triển khai nhiệm vụ cho 3.600 binh sĩ tại Trung Phi để giúp Chính phủ chuyển tiếp nước này nhanh chóng ổn định tình hình nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử vào năm 2015.

Cộng hòa Trung Phi  rơi vào bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleca lật đổ hồi tháng 3 vừa qua. Hơn 460.000 người (chiếm 1/10 dân số) đã phải trốn chạy khỏi đất nước do các vụ bạo lực phe phái. EU, LHQ đã lên tiếng cảnh báo về nạn diệt chủng cũng như các tội ác chiến tranh tại quốc gia với hơn 4,6 triệu dân này và kêu gọi sự can thiệp của quốc tế./.