Hôm 25/4 tại thủ đô Paris, Pháp khai mạc Hội nghị quốc tế đầu tiên cấp bộ trưởng và chuyên gia về ngăn chặn các nguồn tài chính cho khủng bố mang tên “Không tài trợ cho khủng bố”, với sự tham dự của đại diện 70 quốc gia và khoảng 20 tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu dù đã đạt được nhiều bước tiến, song vấn đề ngăn chặn các nguồn tài trợ cho khủng bố vẫn là bài toán khiến các nhà lãnh đạo thế giới đau đầu.
Trong 2 ngày diễn ra cuộc gặp, các đại biểu tham dự sẽ phải tìm ra cách thức tấn công hiệu quả nhất nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay al-Qaeda.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 24/4 tuyên bố: “Chúng ta không thể tự mãn trước những thiệt hại về lãnh thổ mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang phải hứng chịu. IS vẫn luôn có một nguồn tài nguyên thực sự cho chiến tranh và chúng ta phải tấn công nó nếu muốn giành thắng lợi bền vững. Đây cũng là điều tương tự với Al-Qaeda. Để đạt được mục tiêu, chúng ta phải có một câu trả lời mang quy mô quốc tế. Và minh chứng rõ nhất cho quyết tâm này là sự có mặt của 5 châu lục tại cuộc gặp. Tất cả các nước Arab đều tham dự, trừ Syria là do không được mời.”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Tôi muốn một phương pháp chuyên nghiệp và đơn giản, đó là mỗi nước hãy thiết lập danh sách các tổ chức hay cá nhân tình nghi có liên hệ với khủng bố và sau đó chia sẻ cho các nước đối tác. Chúng tôi muốn một cam kết rõ ràng, để từ có xác định những biện pháp hành động chung nhằm ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố. Bản thân nước Pháp, cũng đã thiết lập danh sách tất cả các cơ cấu mà chúng tôi biết hay nghi ngờ có liên hệ với những hoạt động tài trợ bất hợp pháp này.”
Đều là những nước được mời tham dự Hội nghị, các nước châu Phi như Libya, Mali, Nigera và Algeria đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Đó là dù cách thức huy động tài chính của các nhóm khủng bố tại những nước này là không giống nhau, song lại có một điểm chung rất lớn: các tay súng khủng bố được trang bị khá tốt, thậm chí là đôi khi còn tương đương với quân đội địa phương. Câu hỏi đặt ra là chúng có được khả năng quân sự này là từ đâu? Như tại khu vực Xahen, các tổ chức khủng bố lấy tiền từ việc bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, buôn lậu hay chiến lợi phẩm sau các cuộc giao tranh trên sa mạc.
IS đe dọa tấn công các điểm bầu cử Quốc hội Iraq
Ví dụ như tại Somalia, nguồn tiền chính cho nhóm khủng bố Shebas là từ buôn lậu, trong đó có than đá. Theo Liên Hợp Quốc, nhóm này thu được từ 122 đến 162 triệu euro mỗi năm nhờ xuất khẩu trái phép. Nhiên liệu sẽ được chuyển đi từ các cảng ở miền Nam trên những chiếc thuyền nhỏ để tới các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ngoài ra, là nguồn thu từ việc rừng rào chắn giao thông để thu tiền trái phép hay tấn công tấn công vào các căn cứ quân sự, các kho nhân đạo và kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên khắp thế giới.
Còn tại Iraq hay Syria, một báo cáo công bố hồi năm 2015 của những nước này về đường dây buôn lậu dầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến Mỹ và các nước đồng minh bất ngờ và phải siết chặt hơn các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn tiền cung cấp cho IS. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này vẫn thu nhận được mỗi ngày hàng triệu USD từ 10 nguồn tài chính khác nhau để phục vụ cho các hoạt động khủng bố và tuyển quân.
Dù hiện nay, nguồn thu này đã bị thu hẹp do những thất bại liên tiếp của chúng trên chiến trường, song đây vẫn là bài toán gây đau đầu các nhà lãnh đạo thế giới. Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, hầu hết các nước trên thế giới đều nhất trí rằng biện pháp tốt nhất để triệt tận gốc bạo lực chính là phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố và đây cũng là mục tiêu chính của Hội nghị quốc tế chống tài trợ cho khủng bố tại Pháp lần này./.