Quốc hội Pháp quyết định thông qua việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng bất chấp những chỉ trích ngày càng tăng trong xã hội nước này về việc lạm quyền và hạn chế các quyền tự do cá nhân.

Dự luật về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp được Quốc hội Pháp thông qua tối 16/2 (theo giờ địa phương) với 212 phiếu ủng hộ và 31 phiếu chống. Trước đó, hôm 9/2, Thượng viện Pháp cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật này với đa số ủng hộ, 315 phiếu thuận và 28 phiếu chống.

paris_legionnaires_rgwx.jpg
An ninh ở Pháp tiếp tục được thắt chặt. (Ảnh: Reuters)
Theo đó, tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài trên toàn bộ lãnh thổ Pháp lục địa thêm 3 tháng, đến ngày 26/5/2016. Đây được coi là điều không bất ngờ bởi trái với sự khó chịu đang ngày càng tăng trong dân chúng Pháp, đa số các đảng chính trị ở Pháp muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp, trừ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia.

Với việc tình trạng khẩn cấp tiếp tục được duy trì, các lực lượng an ninh Pháp được trao rất nhiều quyền để thực thi nhiệm vụ, trong đó có cả những quyền mà trong tình huống bình thường không được phép sử dụng như khám xét nhà đột xuất, giam giữ tại gia hay theo dõi thông tin cá nhân... 

Bảo vệ cho việc này, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho rằng kéo dài tình trạng khẩn cấp là cần thiết vì các mối nguy hiểm vẫn thường trực và nguy cơ khủng bố nhằm vào nước Pháp vẫn chưa biến mất.

Kể từ sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, Pháp đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ lãnh thổ lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh Algeria. Trong thời gian này, các lực lượng an ninh Pháp đã tiến hành 3.300 vụ khám xét hành chính, khám phá ra nhiều nơi tàng trữ vũ khí, tạm giữ 344 đối tượng và đưa ra xét xử 65 vụ. Ngoài ra, có 285 vụ chỉ định giam giữ tại gia được thực hiện, chủ yếu nhằm vào các đối tượng có liên hệ với các mạng lưới Hồi giáo cực đoan.

Tuy nhiên, bất chấp các con số trên, hiệu quả thực sự của các biện pháp an ninh nhờ tình trạng khẩn cấp mang lại vẫn bị đánh giá là không cao. Trên thực tế, đơn vị chống khủng bố Paris chỉ mở được 5 cuộc điều tra thực sự liên quan đến khủng bố còn chủ yếu (24 vụ) là liên quan đến các vụ phạm tội nhẹ hơn như việc biện minh hay ủng hộ khủng bố. Có đến 74% các cuộc điều tra tư pháp là nhằm vào các đối tượng buôn chất cấm hay vũ khí, tức tội phạm thông thường, bị phát hiện trong các cuộc khám xét.

Điều quan trọng hơn, là tình trạng khẩn cấp đang tạo ra một bầu không khí gây chia rẽ trong xã hội Pháp. Rất nhiều lời phàn nàn và phản đối việc lạm quyền của các lực lượng an ninh được phát đi trên báo chí Pháp.

Tuy chính quyền Pháp không tuyên bố nhưng hầu hết các chiến dịch khám xét, bố ráp và giam giữ tại gia được thực hiện nhằm vào cộng đồng Hồi giáo và các nhà thờ Hồi giáo được cho là truyền bá tư tưởng cực đoan. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở dân sự cũng bị khám xét thô bạo và gây ra thiệt hại lớn nhưng lại chưa được đền bù thỏa đáng.

Ở cấp độ cao hơn, trong bối cảnh của tình trạng khẩn cấp và bầu không khí bài ngoại dâng cao với đạo luật về tước quốc tịch những kẻ liên quan đến khủng bố, Chính phủ Pháp bắt đầu phải nhận các chỉ trích từ các nhóm hoạt động nhân quyền và các Ủy ban nhân quyền châu Âu khi các nhóm này cho rằng Pháp đang dùng vấn đề an ninh để biện minh cho việc xâm phạm tự do cá nhân.

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích chính trị Pháp nhận định, ở thời điểm này khó có khả năng các đảng chính trị Pháp thay đổi quan điểm bởi sau vụ khủng bố 13/11, việc áp đặt tình trạng khẩn cấp là cơ hội lớn để Pháp siết chặt các biện pháp an ninh, đôi khi là phạm luật, và dân chúng Pháp dù bất mãn nhưng sẽ không phản đối quyết liệt bởi an ninh vẫn đang là mối lo ngại hàng đầu hiện nay./.