Ngoài việc kêu gọi các bên trong cuộc xung đột Syria tuân theo các điều khoản của thỏa thuận Nga-Mỹ về một lệnh ngừng bắn có hiệu lực lúc 0 giờ sáng 27/2 (theo giờ địa phương), Nghị quyết cũng hối thúc chính phủ và lực lượng đối lập Syria nối lại các cuộc đối thoại do Liên Hợp Quốc bảo trợ, kêu gọi các nước thành viên của Nhóm ủng hộ quốc tế về Syria sử dụng ảnh hưởng với các bên trong cuộc xung đột Syria thực hiện cam kết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn kéo dài và hiệu quả.
Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Syria. Ảnh EPA |
Trước đó, cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bị hoãn khoảng nửa giờ do Nga và Mỹ có những thay đổi vào phút chót về văn bản Nghị quyết.
Trong số những thay đổi có việc không đề cập tới Ủy ban đàm phán tối cao (HNC) do Saudi Arabia bảo trợ, một liên minh đối lập tại Syria mà Nga và Iran không coi là đại diện hợp pháp trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria.
Người phát ngôn phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kurtis Cooper, nói rằng, Mỹ đã chấp nhận không đề cập đến Ủy ban đàm phán tối cao Syria để đổi lấy việc bản nghị quyết cũng sẽ không đề cập đến các cuộc gặp do Nga bảo trợ về Syria đã diễn ra tại Moscow và Cairo.
Phía Trung Quốc đánh giá cao Nghị quyết của Hội đồng bảo an về thúc đẩy các bên thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Đại diện Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất cho rằng, việc Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết này là chứng tỏ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của nhóm quốc tế hỗ trợ Syria cũng như đối với giải pháp chính trị về cuộc khủng hoảng Syria.
Ông Lưu Kết Nhất nhấn mạnh, giải pháp chính trị là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria: “Các bên liên quan tại Syria cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng bảo an cũng như thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa các bên, đặt lợi ích của đất nước cũng như người dân Syria ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.
Tương lai và số phận của Syria phải nằm trong tay của người dân Syria. Các nước chính trong khu vực cần ngừng đổ lỗi cho nhau, có những hành động thực tế nhằm ngăn chặn tình hình xấu thêm và đóng vai trò mang tính xây dựng trong thỏa thuận ngừng bắn và nỗ lực viện trợ nhân đạo".
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre cũng ủng hộ Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng về các chiến dịch quân sự của quân đội Syria và Nga, chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức bắt đầu.
“Chúng tôi lo ngại về các cuộc không kích của quân đội Syria và Nga, chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Đây là một điểm xấu. Pháp cũng sẽ khuyến khích Ủy ban đàm phán cấp cao tiếp tục ủng hộ và trở lại bàn đàm phán ngay khi các nghĩa vụ quốc tế được thực hiện”, ông Delattre nói.
Trong khi đó Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja’afari khẳng định, chính phủ Syria sẵn sàng thực hiện các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn cũng như các nỗ lực nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình, tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.
Ông cũng nhắc lại rằng, chỉ có người Syria mới có thể quyết định được tương lai của đất nước mình thông qua các cuộc đối thoại do chính người Syria làm chủ mà không có sự can thiệp của nước ngoài./.