Ủy ban đàm phán cấp cao, tập hợp các nhóm đối lập chính tại Syria  hôm qua (24/2) đã nhất trí về nguyên tắc thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ đề xuất, dự kiến sẽ có hiệu lực từ nửa đêm mai (26/2). Tuy nhiên, những thất bại trước đó đã khiến cả Nga và Mỹ đều tỏ ra thận trọng và tiếp tục gia tăng sức ép với các bên tham chiến tại Syria.

Tuyên bố sau cuộc họp tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban đàm phán cấp cao Syria tuyên bố coi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời 2 tuần là dịp để kiểm chứng sự nghiêm túc của Chính phủ Syria  trong thực hiện các cam kết, đồng thời ghi nhận mọi nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu và ném bom nhằm vào dân thường.

104945_brii.jpg
Cả Nga và Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng với lệnh ngừng bắn ở Syria. (Ảnh: Getty)

Để đảm bảo “thành công của lệnh ngừng bắn”, Ủy ban đàm phán cấp cao Syria cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai những biện pháp “nghiêm túc và hiệu quả” nhằm bảo vệ dân thường, cũng như chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho một tiến trình chính trị trong tương lai. Tuy nhiên, lực lượng này không nêu rõ những khu vực nào liên quan đến lệnh ngừng bắn.

Trước đó, hôm 23/2, Chính phủ Syria đã đồng ý với kế hoạch ngừng bắn do Nga và Mỹ đề xuất, song trên cơ sở tiếp tục chiến dịch quân sự chống lại các nhóm khủng bố đang hoạt động tại nước này, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Al-Nursa có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Trong một thông báo hôm qua (24/2), Chính phủ Nga cũng cho biết, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã khẳng định với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, họ sẵn sàng đóng góp vào việc cụ thể hóa kế hoạch ngừng bắn  và cho rằng, đây là một bước đi quan trọng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Quân đội Nga cùng ngày khẳng định đã bắt đầu thảo luận kế hoạch ngừng bắn với  các lực lượng đối lập tại 5 khu vực của Syria .

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói: “Trong 2 ngày qua, cường độ các chiến dịch quân sự đã giảm đáng kể, đặc biệt là tại những khu vực mà chúng tôi đã nhận được hay tiếp tục nhận được những yêu cầu ngừng bắn và bắt đầu đàm phán của các chính quyền địa phương hay đại diện các lực lượng vũ trang”.

Tổng thống Nga Putin hôm qua (24/2) cũng có cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Al Saud và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Theo Phủ Tổng thống Nga, cả Saudi Arabia và Iran đều hoan nghênh kế hoạch ngừng bắn. Các quan chức Nga và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau trong những ngày tới để thành lập một nhóm giám sát lệnh ngừng bắn.

Dù triển vọng về lệnh ngừng bắn đang ngày càng rõ rệt, song giới phân tích đều tỏ ra thận trong khi đánh giá khả năng thành công của kế hoạch này. Bởi cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua tại Syria  cũng chứng kiến sự phân cực giữa các cường quốc khu vực và quốc tế, giữa một bên là Nga và Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad với một bên là Mỹ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng đối lập.

Ngay cả cuộc chiến chống kẻ thù chung là các nhóm khủng bố, mà cụ thể là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng bị chia làm hai, một là chiến dịch của quân đội Syria với sự hỗ trợ của quân đội Nga và một là của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, ngoài những khó khăn liên quan tới việc thực thi lệnh ngừng bắn, vấn đề đặt ra còn là một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Nga và Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tỏ ra rất thận trọng khi đánh giá những bước tiến đạt được những ngày qua.

Ông Obama nói: “Chúng tôi rất thận trọng để tránh tạo ra kỳ vọng quá lớn. Tình hình trên thực địa là rất khó khăn, song chúng tôi đã nhìn thấy những tiến triển dù là rất nhỏ trong tuần qua, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo cho người dân tại những khu vực chiến sự”.

“Nếu trong vài tuần tới, tình trạng bạo lực giảm bớt thì điều đó sẽ cung cấp cho chúng ta cơ sở để thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn ở cả phía Nam và Bắc Syria. Những tiến bộ đó sẽ kéo theo một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc chiến 5 năm tại Syria”, ông Obama nói thêm.

Các lựa chọn vẫn còn để ngỏ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi đầu tuần thừa nhận, khả năng một kế hoạch B cho Syria sẽ được xem xét trong trường hợp tiến trình ngoại giao thất bại. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, cả Nga và Mỹ đều đã nỗ lực hết sức để không phải làm việc về một kế hoạch B./.