Trước thời điểm này, cả Chính phủ Syria và phần lớn các nhóm đối lập tại nước này đã tuyên bố chấp thuận lệnh ngừng bắn, dù vẫn bảo lưu quyền được đánh trả trong trường hợp bị tấn công.

syria_wbma.jpg
Lệnh ngừng bắn được kỳ vọng sẽ đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho Syria sau nhiều năm dài nội chiến. Ảnh AFP

Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia cùng nhiều quốc gia khu vực đã tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, riêng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không bị ràng buộc bởi thoả thuận và sẽ lập tức đáp trả nếu bị tấn công.

Lệnh ngừng bắn không áp dụng đối với các tổ chức khủng bố như IS và Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc quốc tế al-Qaeda tại Syria.

Cùng ngày Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thống nhất thông qua một nghị quyết kêu gọi các bên trong cuộc xung đột Syria tuân theo các điều khoản của thỏa thuận Nga-Mỹ về một lệnh ngừng bắn, có hiệu lực lúc 5h sáng 27/2 (theo giờ Việt Nam).

Nghị quyết cũng hối thúc Chính phủ và lực lượng đối lập Syria nối lại các cuộc đối thoại do Liên Hợp Quốc bảo trợ, kêu gọi các nước thành viên của Nhóm ủng hộ quốc tế về Syria sử dụng ảnh hưởng của mình với các bên trong cuộc xung đột Syria thực hiện cam kết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn kéo dài và hiệu quả.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power ngày 26/2 cảnh báo, bất cứ sự vi phạm nào đối với lệnh ngừng bắn cũng đối mặt với phản ứng thích đáng.

Bà Power nhấn mạnh: “ Khi các vi phạm xảy ra, điều quan trọng là chúng ta sẽ phải có những phản ứng phối hợp. Nhóm hỗ trợ quốc tế về Syria đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm được phân công đưa ra các bước đi cụ thể giải quyết những cáo buộc không tuân thủ lệnh ngừng bắn, bao gồm hợp tác với các bên để giảm tình hình bạo lực có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát. Tôi cũng khẳng định sẽ là một thách thức để thực hiện thỏa thuận này, đặc biệt trong giai đoạn đầu”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, thỏa thuận này là cơ hội thực sự để chấm dứt bạo lực, tăng cường các nỗ lực tập thể đối phó với chủ nghĩa khủng bố, đồng thời thúc đẩy  hoạt động nhân đạo tại Syria.

Trước cuộc bỏ phiếu của 15 nước thành viên Hội đồng bảo an, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết có ý định triệu tập các cuộc đối thoại hòa bình Syria vào ngày mùng 7/3 tới, nhằm đánh giá về việc các bên thực hiện thỏa thuận ngừng bắn cũng như hoạt động phân phát hàng viện trợ./.