Bộ trưởng Ngoại giao Panama cho biết, 33 thủy thủ trên chiếc tàu Triều Tiên bị bắt giữ tại Panama hồi tháng 7/2013 vì vận chuyển vũ khí trái phép sẽ sớm được trả tự do.

tau-trieu-tien-1.jpg
Số vũ khí trên tàu Chong Chon Gang được canh giữ cẩn mật (Ảnh: Reuters)

Tàu Chong Chon Gang của Triều Tiên bị bắt giữ hôm 15/7 khi chuẩn bị đi vào kênh đào Panama nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương vì bị nghi ngờ chở ma túy.

Tuy nhiên, kết quả khám xét sau đó cho thấy trên tàu chở một số lượng lớn vũ khí không khai báo. Số vũ khí này được cất giấu dưới các bao tải đường, trong đó có hệ thống radar điều khiển tên lửa đất đối không, 2 máy bay Mig-21, 15 động cơ máy bay, cùng với một lô đạn súng phóng lựu và thuốc nổ.

Nếu các thủy thủ đoàn được phóng thích, động thái này sẽ đánh dấu sự kết thúc của một vụ việc gây nhiều tranh cãi giữa 3 quốc gia là Cuba – Panama – Triều Tiên liên quan đến con tàu Chong Chon Gang.

Bộ trưởng Ngoại giao Panama Fernando Nunez Fabrega trả lời hãng tin Reuters cho hay, việc sửa chữa con tàu gần như đã hoàn tất để những người thủy thủ có thể trở về nhà. Trước đó, khi bị bắt giữ, thủy thủ đoàn đã tự phá hủy hệ thống điện và máy bơm trên con tàu.

Theo ông Nunez Fabrega , trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định về việc xử phạt Cuba và Triều Tiên, số vũ khí này có thể sẽ được đem bán hoặc tiêu hủy.

Sau khi con tàu bị bắt giữ, Panama đã cấp thị thực cho 2 nhà ngoại giao Triều Tiên đến Panama để giải quyết các thủ tục có liên quan.

Trong khi đó 33 thành viên trong tổng số 35 thủy thủ đoàn đã bị tạm giữ tại một căn cứ quân đội Mỹ vì “đe dọa an ninh Panama”. Ông Nunez Fabrega cho biết, những thủy thủ “dường như không biết gì về số vũ khí trên tàu”. Theo ông Nunez Fabrega, nếu Bộ trưởng Tư pháp Panama quyết định họ không phải chịu trách nhiệm về hành động đã làm, họ có thể sẽ không bị truy tố”.

Ông Nunez Fabrega cho hay, cả thuyền trưởng và thuyền phó trên con tàu Chong Chon Gang đã tìm cách tự sát khi con tàu bị bắt, thêm vào đó, trong quá trình điều tra, 2 người này luôn từ chối cung cấp thông tin, vì thế chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với một phiên tòa xét xử./.