Đây là một bước đi mà Palestine cho là cần thiết nhằm đạt được sự công nhận quốc tế đối với nhà nước Palestine, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Israel vẫn chưa tìm ra lối thoát và “chính sách đợi thời” không hiệu quả của Mỹ.
Nhiều quan chức cấp cao Palestine ngày 16/12 khẳng định, chính quyền nước này sẽ không từ bỏ kế hoạch trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi Palestine đã tiến hành đủ các cuộc đàm phán song phương với Israel.
Văn kiện do Palestine soạn thảo sẽ thiết lập thời gian biểu cho việc thành lập Nhà nước Palestine cũng như việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine từ năm 1967. Các quan chức Palestine đồng thời cho biết, dự thảo nghị quyết cũng bao gồm những sửa đổi do Pháp đề xuất, song không nêu cụ thể. Trước đó Pháp đã đề nghị đưa vào nghị quyết thời hạn hai năm cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine.
Tuy nhiên, văn kiện sẽ rất khó được thông qua do vấp phải sự phản đối của Mỹ, một nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Lâu nay, Mỹ vẫn cho rằng, một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể là kết quả các cuộc đàm phán trực tiếp, chứ không phải là những sáng kiến đơn phương tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, người Palestine dường như đang ngày càng mất kiên nhẫn khi mà các nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều không dẫn đến một kết quả cụ thể nào.
Trong bối cảnh Israel sắp bước vào chiến dịch tranh cử dự kến vào ngày 17/3 năm sau, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ mọi “tối hậu thư” và cáo buộc các nước châu Âu “về một phe” với Palestine.
Từ nhiều tuần nay, các nước châu Âu, mà Pháp là nước đi đầu, đang làm việc về một văn kiện mang tính thỏa hiệp vừa có khả năng xoa dịu sự mất kiên nhẫn của người Palestine mà lại vừa có thể chấp nhận được đối với cả Mỹ và đồng minh Israel.
Tuy nhiên, điều này lại chỉ cho thấy tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn loanh quanh không lối thoát. Người Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi bị mắc kẹt giữa sự cố chấp của người Israel, sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của châu Âu và sự nóng lòng của người Palestine.
Một số nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc đã đề cập tới khả năng Mỹ trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bản dự thảo của riêng mình. Dù không mang nhiều ý nghĩa, song động thái này có thể buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải đưa ra phản ứng về vấn đề này, lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Rõ ràng, ngay cả dự thảo nghị quyết do Palestine soạn thảo không được thông qua, thì nó cũng không bị trôi đi một cách vô nghĩa, mà đánh dấu một bước mới trong cuộc đấu tranh ngoại giao của người Palestine.
Trong một phát biểu mới đây, tưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat tuyên bố, Palestine sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh của mình. Trong trường hợp dự thảo trình lên Liên Hợp Quốc thất bại, chính quyền Palestine sẽ thúc đẩy việc gia nhập các tổ chức quốc tế khác, trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế để buộc Israel phải chịu trách nhiệm về các hành vi chiếm đóng tại Palestine, cũng như các hành vi tội ác tại Dải Gaza.
Ông Erekat nói: “Palestine đã trở thành nhà nước quan sát phi thành viên tại Liên Hợp Quốc và hiện nay là quy chế quan sát viên tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Chúng tôi hi vọng Palestine sẽ sớm đạt được tư cách thành viên chính thức của Tòa án hình sự quốc tế. Israel đã vi phạm hoàn toàn luật pháp quốc tế và cần phải chịu trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, chính quyền Palestine cũng đang xem xét những lựa chọn khác như yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ hồ sơ ứng cử quy chế Nhà nước thành viên chính thức của Palestine hay thúc đẩy Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc yêu cầu Israel chấm dứt sự chiếm đóng tại khu Bờ Tây. Biện pháp mang tính biểu tượng này có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên Liên Hợp Quốc./.