Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 23/12, cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ với Israel nếu dự thảo trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt ách chiếm đóng của  Israel không được thông qua.

Đây được xem là một thông điệp rõ ràng gửi tới Mỹ, trong bối cảnh nước này dự định sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với văn kiện do Palestine soạn thảo. 

gaza_txra.jpgNhững cuộc xung đột giữa Israel và Palestine vẫn diễn ra ở dải Gaza (ảnh: EPA)

Phát biểu trong chuyến thăm Angeria, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 23/12 cảnh báo nước này sẽ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Israel nếu văn kiện không được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Abbas cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm của người Palestine giành lại quyền của mình, bao gồm quyền trở về của người tị nạn và tự do cho tất cả các tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù Israel.

Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat khẳng định bản dự thảo nghị quyết nói trên sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra bỏ phiếu trước khi năm 2014 kết thúc, đồng thời yêu cầu Mỹ không sử dụng quyền phủ quyết chống lại những quyền chính đáng của nhân dân Palestine.

“Tôi hi vọng chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại lập trường của mình và sẽ không sử dụng quyền phủ quyết. Họ không thể dùng quyền phủ quyết để chống lại một dự thảo nghị quyết được xây dựng dựa trên luật pháp quốc tế, trên giải pháp 2 nhà nước với các đường biên giới trước năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine, giúp giải quyết các vấn đề về quy chế cuối cùng, trong đó có vấn đề người tị nạn và xây dựng pháp chế nhà nước”, ông Saeb Erekat nói.

Tuần trước, Palestine đã trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết đặt ra thời hạn 1 năm cho tiến trình hòa bình Trung Đông và yêu cầu Israel rút ra khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng trước cuối năm 2017. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, văn kiện nhiều khả năng vấp phải sự phản đối của Mỹ, lâu nay vẫn cho rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải là kết quả các cuộc đàm phán trực tiếp.

Chính vì thế, đây có thể xem là thông điệp mạnh mẽ mà người Palestine muốn gửi tới Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang đứng trước nhiều sức ép cả ở trong nước và quốc tế. Mỹ không thể bất chấp dư luận để “bịt mắt cho qua” những hành động của Israel, những cũng không thể phớt lờ những nhóm vận động hành lang của Israel vốn có ảnh hưởng không nhỏ tại Quốc hội Mỹ.

Mặt khác, nếu Palestine cắt đứt quan hệ với Israel thì cũng đồng nghĩa với việc những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy hòa bình Trung Đông đã rơi vào thất bại. Đây là một điều mà Mỹ không hề mong muốn, nhất là trong bối cảnh, vai trò của nước này tại nhiều khu vực trên thế giới đang đứng trước thử thách.

Có thể nói, chưa bao giờ, người Palestine đứng trước cơ hội lớn như lúc này trong cuộc đấu tranh nhằm đạt được sự công nhận của quốc tế về một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền. Lần đầu tiên, những nước châu Âu, vốn được xem là đồng minh của Mỹ và Israel đã có những thay đổi lớn về lập trường trong vấn đề này.

Thất vọng sau hàng thập kỷ đầu tư nhiều sức lực và tiền của cho giải pháp hai nhà nước, Liên minh châu Âu đang muốn dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ủng hộ Palestine cũng như chống lại các chính sách được cho là bành trướng và hiếu chiến của Israel.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, chắc chắn người Palestine sẽ không bỏ lỡ cơ hội để thực hiện giấc mơ của mình về một Nhà nước độc lập và có chủ quyền./.