Thượng viện Pháp ngày 11/12, đã thông qua nghị quyết đề nghị chính phủ Pháp công nhận Nhà nước Palestine. Chính phủ Ireland cũng đang xem xét đề xuất Quốc hội nước này sớm công nhận Palestine với tư cách là một nhà nước độc lập, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy một cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông.
Các nước thể hiện sự ủng hộ với Palestine diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Israel-Palestine leo thang từng ngày, với diễn biến mới nhất là cái chết của một Bộ trưởng Palestine vì bị binh sĩ Israel hành hung.
Với 153 phiếu thuận, 146 phiếu chống, Thượng viện Pháp ngày 11/12 thông qua nghị quyết đề nghị Chính phủ Pháp công nhận Nhà nước Palestine và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel.
Như vậy, trong vòng chưa đầy 10 ngày, cả Quốc hội và Thượng viện của Pháp đều đã thông qua nghị quyết về Palestine, một văn bản không mang tính ràng buộc đối với Chính phủ Pháp.
Theo Thượng nghị sĩ đảng Xã hội Gilbert Roger, người đứng đầu nhóm xây dựng kiến nghị trình Thượng viện, việc công nhận Nhà nước Palestine “là bước đi đầu tiên tiến tới việc thiết lập quan hệ bình đẳng giữa Palestine và Israel” và là “điều kiện tiên quyết để tiến hành các cuộc đàm phán”.
"Tôi cho rằng, việc Thượng viện thông qua nghị quyết này rất hữu ích, tăng thêm sức mạnh cho cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết này đã được tổ chức tại Quốc hội. Đây là một thông điệp mạnh mẽ với thế giới và tôi rất vui mừng khi nghị quyết này được thông qua”, Thượng nghị sĩGilbert Roger nói.
Các nghị quyết về Palestine được Quốc hội và Thượng viện Pháp thông qua trong bối cảnh sức ép đòi công nhận Nhà nước Palestine đang dâng cao tại châu Âu và được coi như cách để tái khởi động tiến trình hòa bình vốn đang bế tắc đồng thời cứu vãn giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại.
Dù việc công nhận Nhà nước Palestine chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nó cho thấy châu Âu đang ngày càng mất kiên nhẫn trước tiến trình đàm phán hòa bình trì trệ tại Trung Đông.
Trước đó, các nghị sĩ Ireland ngày 11/12 đã thông qua bản kiến nghị có tính biểu tượng đề nghị Chính phủ nước mình công nhận Nhà nước Palestine sau khi Quốc hội Anh và Tây Ban Nha cũng đã tiến hành việc làm tương tự.
Ngoại trưởng Ireland Charlie Flanagan tin tưởng rằng, dù vấp phải sự phản đối của Israel, nhưng Ireland vẫn hy vọng có thể tạo ra một "cú hích" trong đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine.
Trong khi đó, Israel đã chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng việc các quốc gia trao tư cách ngoại giao hợp pháp và đầy đủ cho chính quyền Palestine không giúp ích cho các cuộc hòa đàm trực tiếp.
Phần lớn các nước tại Tây Âu và Mỹ vẫn thể hiện ủng hộ với quan điểm của Israel cho rằng, Nhà nước Palestine độc lập phải được công nhận thông qua các tiến trình đàm phán với Israel.
Căng thẳng giữa người Palestine và Israel trên thực địa đang leo thang khi Bộ trưởng Định cư Palestine Ziad Abu Ein vừa thiệt mạng ngày 10/12 tại khu Bờ Tây trong một vụ đụng độ giữa người biểu tình với quân đội Israel. Các nhà lãnh đạo Israel-Palestine tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa bằng màn “đấu khẩu” và cáo buộc trách nhiệm lẫn nhau cho vụ việc này./.