Pakistan hôm 18/7 cho biết sẽ cử một quan chức cấp cao tới Afghanistan cuối tuần này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải tại Afghanistan, qua đó cải thiện mối quan hệ song phương.

Chuyến thăm này nhấn mạnh vai trò của Pakistan trong việc tìm kiếm hòa bình cho Afghanistan cũng như ủng hộ những nỗ lực của Mỹ khởi động các cuộc đối thoại hòa bình với Taliban.

Pakistan đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi Taliban ngồi vào bàn đối thoại với Mỹ và Afghanistan, như một phần trong quá trình hòa giải nhằm chấm dứt bạo lực, đảm bảo hòa bình và an ninh tại Afghanistan.

afghanistan%20pakistan.jpg
Afghanistan và Pakistan (ảnh: Agoraccosmopolitan)

Cố vấn đặc biệt  về các vấn đề an ninh trong và ngoài nước của Pakistan Sartaj Aziz cho rằng, Pakistan có ảnh hưởng đến Taliban nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn tình hình. Theo ông Aziz, Taliban muốn Hội đồng hòa bình tối cao – nhóm đàm phán gồm 80 thành viên của Afghanistan cần phải có đầy đủ các đại diện trong xã hội Afghanistan. Hiện Pakistan cũng cho rằng, các cuộc đối thoại hòa bình tại Afghanistan phải có sự tham dự của tất cả các thành phần xã hội.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Aizaz Ahmad Chaudhry cho biết: “Lập trường của chúng tôi là cần phải tiến hành một cuộc đối thoại sâu rộng tại Afghanistan. Tôi hi vọng và mong đợi rằng tất cả các bên tại Afghanistan sẽ là một phần trong tiến trình hòa giải quốc gia”.

Chuyến thăm của quan chức cấp cao tới Afghanistan cuối tuần này diễn ra 2 tuần sau khi Taliban đóng cửa văn phòng chính trị mới được mở cửa tại Qatar do sự phản đối của chính quyền Afghanistan. Văn phòng chính trị này là một phần trong kế hoạch của Mỹ khởi động các cuộc đối thoại hòa bình với Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh khi Mỹ và NATO dự kiến rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm tới. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đã không diễn ra theo dự định.

Còn nhiều sóng gió

Mặc dù Pakistan có thể làm được nhiều hơn nữa cho những nỗ lực hòa bình tại Afghanistan nhưng hai nước láng giềng này luôn có những sóng gió bất ngờ nổi lên, có thể làm trệch hướng con đường hợp tác.

Afghanistan đổ lỗi cho Islamabad không trấn áp được các nhóm vũ trang Taliban sử dụng khu vực biên giới để làm căn cứ tiến hành các vụ tấn công người dân và lực lượng an ninh quốc tế tại Afghanistan. Về phần mình, Pakistan cáo buộc Afghanistan phá hoại những nỗ lực hòa bình với tuyên bố hiếu chiến, thỏa hiệp với Ấn Độ. Giới quan sát nhận định, mâu thuẫn giữa hai nước đang phá hủy những nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với Taliban và sự đồng thuận khó có thể xảy ra trước khi quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan năm tới và cuộc bầu cử Tổng thống mới tại Afghanistan vào tháng 4.

Tuy vậy, các chuyên gia phương Tây tin rằng, Pakistan có thể tính toán đến lợi ích bằng việc làm hòa giải giúp dẫn tới một chính phủ thân thiện tại Kabul có khả năng ổn định Afghanistan và ngăn chặn xung đột tại khu vực biên giới.

Pakistan cũng muốn cải thiện với nước láng giềng này trong bối cảnh mối quan hệ giữa Afghanistan và Ấn Độ đang ngày càng nồng ấm. Thêm vào đó, là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, việc Pakistan nâng cao vai trò của mình trong tiến trình hòa giải tại Afghanistan cũng là một cách ủng hộ những nỗ lực của Mỹ giúp ổn định tình hình Afghanistan./.