Cuộc bầu cử lần này là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu bước chuyển chính trị lớn từ chế độ Nghị viện sang chế độ Tổng thống, với việc Tổng thống sẽ có thêm nhiều quyền hạn mới khi nắm trong tay toàn bộ quyền hành pháp.
Tổng thống Erdogan và vợ chào đón những người ủng hộ thuộc đảng AKP ở Ankara (Ảnh: Reuters). |
Nói cách khác, cuộc bầu cử này sẽ “vẽ lại” diện mạo mới cho nền chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ đến các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với quốc tế.
Theo kết quả sơ bộ của Ủy ban bầu cử tối cao Thổ Nhì Kỳ, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng ngay trong vòng đầu, đạt gần 53% trong 99% số phiếu được kiểm.
Đáng chú ý là tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, tới 90%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 29/6.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử này, dư luận khu vực và ngay cả các cuộc thăm dò ý dân ở Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Bởi đây là thời điểm mà ông Erdogan đang được nhiều cử tri ủng hộ nhất khi an ninh cơ bản được giữ vững, khu vực biên giới được đảm bảo, cuộc chiến chống khủng bố giành được nhiều thắng lợi trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có chiều hướng xấu, lạm phát leo thang, tiền mất giá và lãi suất cao khi nền kinh tế suy yếu, cùng với việc phe đối lập thường không mấy gắn kết nhưng đang dần đoàn kết chống lại ông trong nhiều năm qua.
Chính ông Erdogan đã tự mình kêu gọi bầu cử sớm 18 tháng thay vì diễn ra vào ngày 3/11/2019 như lịch trình bầu cử 5 năm một lần.
Thứ hai, việc ông yêu cầu sửa đổi Hiến pháp chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống hồi năm ngoái được cho là sự dọn đường có mục đích.
Tất cả những điều này là nhằm giúp ông Erdogan có thể giữ nhiệm kỳ tổng thống thứ ba cho đến năm 2028 sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023 và có quyền lực thống trị đất nước gần như tuyệt đối.
Do đó cuộc bầu cử lần này mang tính bước ngoặt, nhằm cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 16/4/2017.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Erdogan sẽ có quyền lực rất lớn mà các nhà phân tích gọi là “thâu tóm quyền lực”, trong đó bao gồm quyền bổ nhiệm các phó Tổng thống, bộ trưởng trong nội các, các thành viên của tòa án hiến pháp, hội đồng thẩm phán và công tố viên, điều hành toàn bộ quốc gia bằng các sắc lệnh song song với những luật do nghị viện soạn thảo và ban hành, cũng như quyền áp đặt trạng thái khẩn cấp. Có thể thấy, nếu kết quả sơ bộ không thay đổi thì mọi quyết sách đối nội, đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ chính là đường lối cá nhân của ông Erdogan.
Những thách thức của ông Erdogan thời gian tới
Nếu đương kim Tổng thống Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này tức là ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Việc ông Erdogan giành chiến thắng cho thấy số cử tri ủng hộ ông vẫn rất nhiều và lượng cử tri đi bầu cử đạt 90% là một con số rất cao thể hiện sự quan tâm của người dân đối với an ninh, phát triển của đất nước và người lãnh đạo đất nước.Ảnh: Người dân Thổ Nhĩ Kỳ hân hoan sau chiến thắng của ông Erdogan
Đó là điều thuận lợi cho ông Erdogan khi đưa ra những quyết sách đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ mới. Khi là người nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối thì việc đưa ra các quyết sách và tổ chức bộ máy chính quyền, cũng như các chính sách đối nội không phải là khó đối với ông Erdogan.
Tuy nhiên, ngay cả trong nhiệm kỳ đầu thì Tổng thống Erdogan, người theo đường lối bảo thủ và dân túy cũng đã gặp phải nhiều thách thức.
Trước hết đó là sự phân cực trong xã hội giữa những người ủng hộ và những người phản đối.
Các chuyên gia cho rằng, ông Erdogan sẽ trở nên độc đoán hơn nữa sau cuộc bầu cử dù biết rằng nhiều công dân không còn ủng hộ ông nữa.
Thương hiệu chính trị dân túy của ông sẽ tiếp tục chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh tế bắt đầu suy thoái và bất ổn với tỷ lệ lạm phát khoảng 11%, đồng nội tệ Lira mất giá mạnh so với đồng USD, thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 53,3 tỷ USD trong 12 tháng qua.
Khủng bố là một mối lo lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các cuộc tấn công từ các chiến binh người Kurd ở biên giới với Syria và Iraq, cùng các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Trong khi phe đối lập luôn chống đối các chính sách cứng rắn của ông Erdogan.
Kể từ một cuộc đảo chính thất bại trong tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ở trong tình trạng khẩn cấp. Điều đó cho thấy, mối lo ngại về an ninh và sự bất đồng ngay trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại nào?
Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chính trị quan trọng, đồng thời dưới sự điều hành của ông Erdogan đã đưa ra nhiều quyết sách rất khó dự đoán. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Tayip Erdogan chính thức tái đắc cử, ông sẽ tiếp tục các chính sách trước đây mà nhiều người gọi là độc đoán, kể cả việc phải sử dụng biện pháp vũ trang để can thiệp nhằm theo đổi mục tiêu “thiết lập trật tự mới” ở khu vực. Chính ông Erdogan đã từng tuyên bố sẽ thiết lập một chính sách đối ngoại “táo bạo và mạo hiểm”.
Từ lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn theo đuổi mục tiêu là nước Hồi giáo có tiếng nói, vị thế ở khu vực Trung Đông. Do đó việc Tổng thống Tayip Erdogan chính thức tái đắc cử sẽ tiếp tục củng cố chính sách đối ngoại để khẳng định vai trò nổi bật giữa các cường quốc trong khu vực.
Tổng thống đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng một vai trò tích cực ở Trung Đông và vấn đề Jerusalem. Thể hiện rõ khi Erdogan đã phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Cuộc tấn công quân sự xuyên biên giới Syria, Iraq vừa qua là bằng chứng cho thấy ông Erdogan có tham vọng khu vực. Trong khi các nước khu vực coi Iran là mối đe dọa tồn tại mà họ phải đương đầu, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi nước này là một đối thủ khu vực và hàng xóm mà nó phải cạnh tranh và đôi khi hợp tác.
Ngoài ra, an ninh ở biên giới, chống khủng bố và vấn đề người Kurd là mối đe dọa lớn trong khi Tổng thống Erdogan luôn có các chính sách cứng rắn bằng việc tấn công quân sự, kể cả ngoài biên giới sẽ khiến cho khu vực thêm bất ổn, phức tạp.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU hiện đang trải qua giai đoạn đầy thách thức. Tuy nhiên, sự hợp tác này sẽ ngày càng quan trọng hơn so với trước đây. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục theo đổi mục tiêu trở thành thành viên đầy đủ của khối này. Tuy nhiên theo các chuyên gia nếu ông Erdogan tái đắc cử, sự rạn nứt giữa khối và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phát triển sâu hơn bởi những chính sách mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thời gian qua bị cho là độc đoán, đi ngược lại các nguyên tắc, lợi ích của các nước EU, trong đó có việc không đưa ra các cải cách kinh tế tự do theo yêu cầu của các đối tác châu Âu, bất đồng liên quan đến vấn đề người nhập cử, cuộc chiến ở Syria.
Tuy nhiên, một mối quan hệ dựa trên chủ nghĩa thực dụng và hợp tác trên các lĩnh vực quan tâm chung như thương mại, di cư hoặc an ninh có thể xảy ra, mặc dù các cuộc đụng độ chính trị thường xuyên gần như chắc chắn sẽ tiếp tục.
Quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị căng thẳng và suy yếu kể từ cuộc đảo chính năm 2016 và trong thời gian tới vẫn chưa được cải thiện khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd, ủng hộ lực lượng đối lập và các lực lượng đảo chính 2016.
Hai bên đang có những mâu thuẫn trong vấn đề Syria. Mỹ cũng không thoải mái với một đồng minh NATO, ngày càng quan hệ mạnh mẽ với Nga, Iran cả về quân sự, cũng như các vấn đề khác ở Trung Đông.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh quan trọng của NATO và quan trọng đối với nhiều lợi ích của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là những nỗ lực chống khủng bố và chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Theo các chuyên gia, một chiến thắng của ông Erdogan có nghĩa là nhiều cuộc đối đầu với phương Tây trong những năm tới./.
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Erdogan trở thành Tổng thống “siêu quyền lực”