Hội nghị cấp cao nhóm G8 chính thức khai mạc ngày 26/5, tại Cung Hội nghị quốc tế Deauville (bên bờ biển phía Tây Bắc nước Pháp). Hội nghị G8 lần này diễn ra trong 2 ngày (26-27/5), với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Canada cùng đại diện một số nước Ả-rập và châu Phi.

Nhiều nội dung quốc tế quan trọng được đề cập tại Hội nghị lần này, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới sự bất ổn chính trị và xã hội gần đây tại khu vực Trung Đông và một số quốc gia ở Bắc Phi, vấn đề hạt nhân tại Nhật Bản, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thảo luận và thông qua các khoản trợ giúp cho Tunisia và Ai Cập.

Hội nghị cấp cao G8 lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề xảy ra trên thế giới, đặc biệt là trùm khủng bố Osama Bin Laden vừa bị tiêu diệt, quân đội Pháp tham chiến tại một số nước như: Libya, Bờ biển Ngà... Chính vì thế, nguy cơ có thể xảy ra những cuộc tấn công, khủng bố, bạo lực gây mất trật tự an ninh tại Deauville trong những ngày diễn ra Hội nghị G8. Đáng chú ý, Hội nghị này diễn ra trong lúc IMF đang chuẩn bị phải bầu chọn chức Tổng Giám đốc mới thay ông Dominique Strauss Kahn-người Pháp.

** Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra tại pháp, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp gỡ Tổng thống Nga Medvedev để thảo luận một số vấn đề quan trọng trong đó có kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

Kế hoạch xây dựng Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu hiện là vấn đề cản trở chính trong mối quan hệ Nga – Mỹ. Phía Mỹ nói rằng, hệ thống tên lửa đánh chặn này nhằm mục đích ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran và một số nước phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, phía Nga lại cho rằng, hệ thống này sẽ tạo ra mối nguy hiểm đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga, nếu Mỹ có thể mở rộng hệ thống này đến Cộng hòa Czech, Thổ Nhĩ kỳ, Bulgaria và một số nước khác. Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thống Mỹ Obama cho biết hai bên đã nhất trí tìm cách tiếp cận chung cho kế hoạch xây dựng hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng, tương lai của hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ sẽ do các chính trị gia tương lai, thế hệ lãnh đạo năm 2020 giải quyết, tuy nhiên ông và Tổng thống Obama có thể giúp đặt nền móng đầu tiên cho công việc này./.