>>  COP 16 chưa mang lại kết quả như mong đợi

Được đánh giá là đã đạt được một số thành công, nhưng Hội nghị Cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP 16) ở Cancun (Mehico) vẫn chưa được coi là toàn diện, chưa đạt được một sự đột phá và cũng chưa đưa ra được các kế hoạch cụ thể mang tính ràng buộc pháp lý cho việc cắt giảm lượng khí thải tại các nước và trên toàn cầu. Tuy vậy, hội nghị cũng nhận được sự phản hồi khá tích cực từ phía nhiều nhà lãnh đạo và tổ chức quốc tế, cho rằng, đây là tiền đề để các nước trên thế giới tiếp tục nỗ lực tại các hội nghị tiếp theo.

Chỉ vài giờ trước khi bế mạc, các nước tham dự đã thông qua Thỏa thuận Cancun, trong đó có việc thành lập "Quỹ Khí hậu Xanh" (Green Climate Fund), tái khẳng định cam kết tại Hội nghị Copenhagen năm 2009, theo đó các nước có lượng khí thải lớn sẽ đóng góp tăng dần từ 30 tỷ USD mỗi năm lên 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, để giúp các nước đang phát triển chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu; nhất trí tăng cường một loạt các biện pháp bảo vệ rừng nhiệt đới và thiết lập một cơ chế theo đó các nước phát triển chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước nghèo hơn. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhất trí đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C, như thời kỳ tiền công nghiệp.

Đánh giá về kết quả của hội nghị, bà Tara Rao, chuyên viên cao cấp của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), cho rằng, điểm quan trọng của Hội nghị Cancun là nêu lên nhiều vấn đề chính, thay vì chỉ tập trung vào một số ít, giúp cho hội nghị năm tới, tổ chức tại Durban (Nam Phi), có thể làm việc về nhiều vấn đề toàn diện, thay vì chỉ từng phần, qua đó giúp các nước có thể đạt một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý.

Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Roettgen cho biết thêm: “Tôi nghĩ đây là một sự thành công lớn đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Toàn bộ gói cứu trợ nhận được sự nhất trí của các đại biểu tham dự, cho thấy, chúng ta đã thực hiện được một bước quan trọng và xây dựng được lòng tin cả ở tiến trình tại Liên Hợp Quốc cũng như trong tiến trình quốc tế. Nó đã tạo một nền móng để tiến bước. Đây là bước đầu để sang năm, tại Nam Phi, chúng ta có thể thỏa thuận được một điều gì đó có tính ràng buộc về pháp lý”.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, ngày 11/12 cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được tại COP 16 là "một thành công quan trọng". Theo ông, thỏa thuận đưa ra gói biện pháp nhằm tạo ra một tương lai có lượng khí thải carbon thấp. Ông đồng thời kêu gọi các nước nỗ lực hơn nữa để thực hiện được các mục tiêu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tổng thống Mehico Felipe Calderon cũng tuyên bố hội nghị đã "thành công toàn diện".

Trong khi đó, hầu hết các đại biểu cho rằng việc hội nghị đạt được thỏa thuận có thể giúp khôi phục niềm tin vào tiến trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sau thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhaghen (Đan Mạch) năm 2009.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bi quan về kết quả tại Hội nghị Cancun. Một số nhà quan sát từ các tổ chức phi chính phủ nói rằng, trong khi hội nghị Cancun đã có những bước tiến triển nhưng sẽ là không thực tế nếu quá kỳ vọng rằng, năm sau, thế giới có thể đạt được một thỏa thuận mang tính toàn diện về đối phó biến đổi khí hậu tại thành phố Dafur (Nam Phi).

Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc, bà Helen Clark, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhấn mạnh: “Cộng đồng thế giới không hề trông đợi có thể đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá tại hội nghị Cancun, ngoại trừ một số vấn đề như: xây dựng nguồn ngân quỹ tài chính, hỗ trợ công nghệ của các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong việc đối phó biến đổi khí hậu. Hội nghị Cancun mới chỉ mang đến một sự đồng thuận, trước mắt chúng ta còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết”.

Tuy nhiên, giống như hội nghị năm 2009 tại Copenhagen, COP 16 năm nay tại Cancun đã không đạt được tiến triển lớn trong việc làm thế nào để gia hạn Nghị định thư Kyoto, sau khi nghị định này hết hiệu lực vào năm 2012 và cũng chưa làm rõ cách thức quyên tiền cho "Quỹ Khí hậu Xanh".

Hội nghị Cancun cũng chưa giải quyết được đề tài gai góc, đó là chương trình giảm bớt chất thải do nạn phá rừng và do rừng xuống cấp (REDD). Mặc dù trước khi bước vào hội nghị, nhiều đại biểu lạc quan sẽ đạt được một thỏa thuận về REDD, song rốt cục chương trình đã gặp bế tắc về vấn đề tìm nguồn tài trợ và cách thức giúp đỡ các nước nghèo trong vấn đề bảo vệ rừng./.