Việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến nhiều nước lo ngại, mặc dù khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận này. Một số nước tìm cách đẩy mạnh các phiên bản thỏa thuận tự do thương mại trong khu vực và quốc tế cũng như với các đối tác khác.
Giới chức Malaysia ngày 24/1 cho biết nước này sẽ tập trung vào hội nhập kinh tế khu vực và hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không thành hiện thực sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại tự do này.
Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed, Malaysia sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kịp thời hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực vốn bao gồm ASEAN và 6 đối tác thương mại chủ chốt của khối này trong đó có Trung Quốc.
Malaysia cũng sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với các thành viên của TPP. Các trưởng đàm phán của 11 nước khác tham gia ký kết TPP sẽ liên lạc thường xuyên với nhau để cân nhắc tất cả các sự lựa chọn có thể trước khi đưa ra cách giải quyết tốt nhất.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Bill English cùng ngày nói rằng nước này sẽ không loại bỏ các phiên bản tự do thương mại khác khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP. Theo ông English, TPP không chỉ là một phiên bản duy nhất và ý chí chính trị cho Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực sẽ được tăng cường. Các bộ trưởng TPP còn lại sẽ có cuộc gặp vào vài tháng tới nhằm xem xét các bước tiếp theo có thể.
Việc Mỹ rút khỏi TPP cũng khiến Nghị viện châu Âu thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại với Canada. Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu và Canada (CETA) được coi là phép thử về khả năng của EU trong việc thực hiện các hiệp định thương mại trong tương lai cũng như được xem là đối trọng với chủ nghĩa bảo hộ dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đại diện Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Artis Pabriks cho biết: “Chúng ta có thể gọi đây là thỏa thuận thương mại rất đặc biệt, vì chúng ta tin tưởng lẫn nhau. EU tin tưởng Canada và ngược lại. Chúng ta chia sẻ các giá trị giống nhau. Một thỏa thuận như thế này sẽ mang các nước đến gần nhau hơn, mạnh mẽ hơn, góp phần cải thiện các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trong bối cảnh xu hướng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng nổi lên, thì điều cực kỳ quan trọng là những nước chia sẻ giá trị chung, mục đích chung cần phải cam kết cùng với nhau”.
Cùng ngày, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski tuyên bố cần tìm một hiệp định tự do thương mại mới với sự có mặt của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác. Peru hiện đã ký Hiệp định tự do thương mại với nhiều nước thành viên của TPP và đang đàm phán với Ấn Độ, Indonesia và Australia.
TPP có sự tham gia của 12 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, hôm 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP vì cho rằng thỏa thuận này làm mất công ăn việc làm của người Mỹ./.