Libya quốc gia Bắc Phi đang rơi vào vòng xoáy bạo lực đẫm máu nhất kể từcuộc chiến lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi hồi năm 2011. Giao tranh suốt hai tuần qua giữa các tay súng Hồi giáo và lực lượng ủng hộ thế tục ở thủ đô Tripoli, thành phố Benghazi đã làm ít nhất 150 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, khiến hầu hết hoạt động hàng không bị tê liệt. Trong lúc này, nhiều nước tiếp tục đóng cửa cơ quan ngoại giao và sơ tán khẩn cấp công dân khỏi Libya.
Tình hình chiến sự tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya vẫn hết sức rối ren với hàng loạt vụ giao tranh bằng các loại vũ khí hạng nặng. Hãng tin AFP dẫn các nguồn tin hôm nay cho biết sau vài ngày giao tranh ác liệt, các nhóm Hồi giáo đã chiếm trụ sở lực lượng đặc nhiệm của quân đội Libya tại thành phố này. Theo nguồn tin quân sự Libya, máy bay chiến đấu của nước này đã bị rơi trong các cuộc tấn công vũ trang ở Benghazi.
Một người dân địa phương cho biết: “Máy bay đến từ Benghazi và nó đã đổi hướng từ đông sang tây và khi máy bay đang bay thấp thì đột nhiên nó lao xuống và có thể bị cháy động cơ. Máy bay rơi xuống tạo thành một hố, phá hủy một số xe nhưng rất may không có ai bị thương”.
Ít nhất 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng đặc nhiệm chính phủ với các tay súng Hồi giáo diễn ra từ đêm 28/7 đến sáng qua.”
Còn tại thủ đô Tripoli, lực lượng phiến quân đang chiến đấu để kiểm soát sân bay ở thủ đô của Libya đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 24 giờ nhằm cho phép lính cứu hỏa dập tắt vụ cháy đã vượt tầm kiểm soát tại một kho dầu ở đây.
Đây là lần ngừng bắn hiếm hoi trong làn sóng bạo lực kéo dài suốt 2 tuần qua tại quốc gia Bắc Phi này. Chính quyền Libya cho biết các tay súng phiến quân nước này đã nhất trí sẽ ngừng bắn để cho phép lực lượng cứu hỏa khống chế đám cháy đang bùng phát dữ dội tại kho dầu ở sân bay thủ đô Tripoli. Kho dầu trên có sức chứa 6 triệu lít, đã bị trúng rocket và bốc cháy dữ dội từ ngày 27/7. Nếu không được khống chế, đám cháy có thể lan sang các kho chứa khí lỏng lân cận. Hiện chính phủ Italy và công ty năng lượng EIN của nước này đã điều 7 máy bay cứu hộ nhằm hỗ trợ dập tắt đám cháy.
Trước tình hình chiến sự leo thang ở Libya, các nhà lãnh đạo Mỹ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại Libya cũng như vai trò của Liên hợp quốc trong việc chấm dứt tình trạng bạo lực và bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc điện đàm chung giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italy. Lãnh đạo các nước kêu gọi Liên hợp quốc cần đóng vai trò thực chất trong việc thúc đẩy tiến trình chính trị lập lại ổn định cho Libya, đồng thời nhất trí rằng "một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức giữa các nhóm vũ trang tại Tripoli là rất cấp thiết".
Tuy nhiên, do tình hình bạo lực tại Libya không có dấu hiệu lắng xuống, nhiều quốc gia tiếp tục khuyến cáo công dân nước mình nhanh chóng sơ tán khỏi quốc gia Bắc Phi đầy bất ổn này.
Pháp và Bồ Đào Nha đã quyết định đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao tại Libya. Chính phủ Pháp thông báo kế hoạch sơ tán công dân khỏi Libya bằng tàu chiến từ chiều qua. Hiện có khoảng 100 công dân Pháp đang có mặt tại Libya. Tây Ban Nha hôm qua thông báo quyết định sơ tán 60 nhân viên đại sứ quán tại Tripoli. Báo chí Đức cho biết, nước này đã tiến hành sơ tán nhân viên Đại sứ quán Đức tại thủ đô Tripoli, do lo ngại về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ quán nước này tại Libya sẽ không đóng cửa và có một số nhân viên địa phương vẫn tiếp tục làm việc.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, nước này bắt đầu chiến dịch di tản toàn bộ 1.000 người Thái Lan ra khỏi Libya. Phần lớn người Thái Lan sống tại Libya là sinh viên và người lao động tập trung tại những thành phố lớn và đây cũng là các nơi đang bùng phát các đợt giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy.
Philippines đã sơ tán một số nhân viên sứ quán tại Tripoli, trong khi người nhà nhân viên sứ quán đã về nước từ tuần trước. Philippines trước đó đã rút 3.000 công dân đang làm việc tại Libya về nước, nhiều người trong số này là bác sỹ, y tá. Đại sứ quán Trung Quốc tại Libya kiến nghị công dân nước này nhanh chóng tự thu xếp để rời khỏi đây. Ở Libya hiện có khoảng 1.000 công dân Trung Quốc. Trước đó hồi tháng 5, trước tình hình an ninh xấu đi, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc đã rút hơn 800 nhân viên làm việc cho công ty Trung Quốc về nước./.