Ngày 29/9, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 69, Syria cũng tái khẳng định ủng hộ chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào IS.

Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã lên tiếng ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ và các nước Arab nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

fe05cd3f_1702_43b4_90ab_849c3cfec9bc_w640_r1_s_eerr.jpgNgoại trưởng Syria Walid al-Moualem (Ảnh Reuters)

Theo Ngoại trưởng Syria, giờ là thời điểm cần phải phối hợp tất cả các nỗ lực để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và IS đang là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, nó không loại trừ bất cứ quốc gia, dân tộc và tín ngưỡng nào.

Ngoại trưởng Syria đồng thời nhấn mạnh: “Syria khẳng định sẽ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với khủng bố. Song chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, các hoạt động này cần phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng cuộc sống của dân thường, tôn trọng chủ quyền quốc gia và phù hợp với các công ước quốc tế”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Walid là sự phản ánh tuyên bố của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được đưa ra trước đó, ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào chống khủng bố. Ông Assad cũng cho biết, Syria cũng sẽ chủ động thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố. 

Các tuyên bố trên của Syria được giới phân tích khu vực lập tức nhìn nhận như một thông điệp bày tỏ sự ủng hộ của Syria với các nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống IS, tổ chức đang bành trướng hoạt động trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq và bị cáo buộc tiến hành các vụ thảm sát dân thường và binh sĩ hai nước này.

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhiều nước, trong đó có Bahrain và Thụy Điển cũng đã kêu gọi nỗ lực quốc tế nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo IS. Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid Bin Ahmed Al Khalifa đã bày tỏ hoan nghênh nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với Nhà nước Hồi giáo, đồng thời khẳng định vai trò của nước này trong các cuộc không kích nhằm vào IS.

Ông Al Khalifa cho biết: “Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm với các quốc gia láng giềng và đồng mình nhằm loại bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chúng tôi sẽ đóng góp không lực với các quốc gia khác để truy quét Nhà nước Hồi giáo. Chúng tôi hoan nghênh nghị quyết 2178 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được phê chuẩn vào ngày 24/9/2014, với trọng tâm ngăn chặn việc tuyển dụng các lực lượng khủng bố và các chiến binh nước ngoài tham chiến”.

Về phía Thụy Điển, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đại diện thường trực của Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc, Marten Grunditz đã nói rằng, cộng đồng thế giới cần ủng hộ Chính phủ Syria và Iraq trong việc đối phó với Nhà nước Hồi giáo. Theo đại diện của Thụy Điển, những cam kết về mặt chính trị là giải pháp không thể thiếu được trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng tại Iraq và Syria hiện nay.

Ông Marten Grunditz nói: “Bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả không vi phạm đường biên giới là trách nhiệm và lợi ích của các quốc gia trên thế giới. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần thành lập những quy định về an ninh. Các quốc gia trên thế giới cần phải nói lên tiếng nói của mình thay vì yên lặng”.

Trước đó, ngày 26/9, các máy bay chiến đấu của Mỹ và các nước đồng minh đã tiến hành đợt không kích đầu tiên nhằm vào phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” tại  Syria.

Trước đó, hồi tháng 8, Mỹ đã tiến hành không kích Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Nỗ lực đối phó với Nhà nước Hồi giáo của Mỹ đã và đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới.

Mới đây, ngày 26/9, đã có thêm 3 nước đồng minh châu Âu của Mỹ là Bỉ, Anh và Đan Mạch thông qua kế hoạch tham gia sứ mệnh trên. Theo kế hoạch, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhóm họp vào ngày 02/10 tới để thảo luận khả năng gia nhập liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo./.