Hiệp ước mang tên Không gian tự do đi lại Schengen là một dự án tâm huyết của các nhà sáng lập nhằm hướng tới một cộng đồng châu Âu đồng nhất.

hollande_sfkh.jpg
Tổng thống Pháp Hollande (thứ 2 từ trái sang) và Thủ tướng Valls (ngoài cùng bên phải) bước ra ngoài sau cuộc họp Nội các bàn về những biện pháp đảm bảo an ninh tại nước này sau một loạt các vụ tấn công khủng bố vừa diễn ra tại Paris. Ảnh AP

Tuy nhiên, sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn tăng cường kiểm soát biên giới ngay cả đối với công dân của châu lục chứ không chỉ với công dân nước ngoài.

Đây sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính của cuộc họp khẩn Bộ trưởng Nội vụ 28 nước thành viên EU diễn ra ngày 20/11 theo yêu cầu của Pháp sau các vụ tấn công vừa qua ở thủ đô Paris.

Dưới sức ép của Pháp, các Bộ trưởng EU sẽ phải sớm thúc đẩy thông qua một hệ thống lưu trữ thông tin về hành khách và của các hãng hàng không, cũng như tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước nhằm đấu tranh tốt hơn với chủ nghĩa khủng bố.

Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng châu Âu yêu cầu có thể mở rộng các biện pháp kiểm soát có hệ thống việc ra vào Không gian tự do đi lại Schengen đối với cả công dân của châu lục.

Trước đó hồi đầu năm nay, ngay sau vụ tấn công vào Tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo, Pháp cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự, theo đó, mỗi quốc gia sẽ có một hệ thống lưu trữ thông tin của mình và các hệ thống lưu trữ thông tin của 28 nước châu Âu sẽ được kết nối.

Công cụ này cho phép cơ quan an ninh các nước theo dõi được sự di chuyển, ít nhất theo đường hàng không của những người bị nghi ngờ có liên hệ với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Chính hệ thống lưu trữ thông tin đã từng giúp an ninh Mỹ phá vỡ được âm mưu khủng bố tại Quảng trường Thời đại, New York ngày 1/5/2010.

Theo Thủ tướng Pháp Manuel Valls, mỗi nước biên giới của Pháp cần thể hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm. Nếu châu Âu không làm được điều này thì toàn bộ hệ thống Schengen cần phải được xem xét lại. Và đây cũng chính là lý do khiến Pháp phải kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ thêm 3 tháng.

“Do mối de dọa khủng bố hiện hữu, do người dân của chúng tôi yêu cầu Chính phủ phải triển khai mọi nỗ lực để bảo vệ họ và bởi chúng ta cần tiếp tục hành động hiệu quả, nên tình trạng khẩn cấp sẽ được mở rộng và triển khai trên toàn nước Pháp thêm 3 tháng.

Thời gian này sẽ  cho phép chúng ta thúc đẩy nỗ lực trấn áp và truy quét các mạng lưới khủng bố mà vẫn tôn trọng pháp luật. Đây vẫn là cách duy nhất trong trung và dài hạn để vô hiệu hóa các mạng lưới khủng bố”, ông Valls nói.

Theo một số nguồn tin châu Âu, tại cuộc họp, Hội đồng châu Âu sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu, tức cơ quan hành pháp của khối đưa ra đề xuất xem xét cụ thể điều 7 của Hiệp ước Schengen, hiện mới chỉ quy định việc kiểm soát có hệ thống các biên giới bên ngoài đối với công dân của những nước nước thứ 3.

Tuy nhiên, đây sẽ không thực sự là một cuộc cách mạng hoàn toàn đối với Hiệp ước Schengen, mà chỉ là tăng cường kiểm soát đối với các hành khách hay chuyến bay. Còn việc kiểm soát công dân EU một hệ thống như yêu cầu của Pháp thì lại là vấn đề khác, bởi để làm được cần phải xem xét lại toàn bộ Hiệp ước  Schengen.

Ủy viên châu Âu Dimitris Avramopoulos ngày 19/11 cũng một lần nữa nhấn mạnh, Hiệp ước Schengen vốn đã cung cấp mọi công cụ nhằm kiểm soát hiệu quả các đường biên giới bên ngoài.

Dẫu vậy, đây chắc chắn sẽ là một vấn đề gây tranh cãi trong một thời gian dài tại EU, bởi hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới các quyền tự do cá nhân. Và chính vì thế, nhiều nghị sĩ đã yêu cầu có những đảm bảo về việc bảo vệ và xử lý dữ liệu công dân./.