1. Vào lúc khoảng 4h sáng 18/11 (giờ địa phương), một vụ đấu súng giữa cảnh sát Pháp với các nghi phạm khủng bố đã nổ ra ở vùng ngoại ô Saint Denis, Pháp và kéo dài hàng giờ liền.

Nguồn tin cảnh sát Pháp cho biết, vụ đọ súng này có liên quan đến việc họ truy đuổi những kẻ tình nghi gây ra vụ thảm sát ở Paris cách đây 5 ngày. 

Cảnh sát Pháp cho biết, 3 tay súng đã thiệt mạng trong đó có một phụ nữ tự phát nổ quả bom quấn quanh người cô ta. Ngoài ra, họ cũng bắt giữ 3 người khác. 

Lực lượng an ninh Pháp kiểm tra một người khả nghi trong đợt truy quét tại vùng ngoại ô Saint Denis. (ảnh: Getty).

Có 3 cảnh sát bị thương trong chiến dịch truy quét nghi can khủng bố nói trên, rất may vết thương không quá nghiêm trọng.

Mục tiêu của đợt truy quét này là hai kẻ được cho đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố ở Paris - Abdelhamid Abaaoud và Salah Abdeslam - hiện đang nằm trong diện truy nã quốc tế.

Tổng thống Pháp François Hollande đã có cuộc họp khẩn tại Điện Elysee với Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Laurent Fabius và Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira.

2. Ngày 18/11, bên lề Hội nghị Apec, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Trung Quốc phải ngừng hoạt động bồi đắp ở Biển Đông. Ông cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với vấn đề phòng vệ và an ninh của Philippines.

Ông Obama phát biểu như vậy sau cuộc họp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino bên lề cuộc họp thượng đỉnh APEC ở Manila. Ông cho biết thêm ông coi trọng việc hợp tác với các bên ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp tại đây. 

obama_jkck_aurp.jpg
Ông Obama phát biểu trên soái hạm của Hải quân Philippines. Ảnh AFP

Trước đó, vào ngày 17/11, Tổng thống Obama đã thăm một tàu tuần duyên mà Mỹ tặng cho Philippines, một trong các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. 

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị hỗ trợ Philippines 1 tàu chiến trong gói hỗ trợ các đồng minh Đông Nam Á trị giá 250 triệu USD.

“Chuyến thăm [chiếc soái hạm] này của tôi là nhằm nhấn mạnh cam kết của chúng ta về việc đảm bảo an ninh biển và tự do hàng hải trong khu vực”, ông Obama tuyên bố trước khi công bố các khoản hỗ trợ của mình.

Theo đó, các khoản hỗ trợ này là nhằm trấn an các đồng minh rằng, Mỹ vẫn sẽ tìm cách duy trì an ninh trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc rầm rộ tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp các bãi đá thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

3. Ngày 17/11, phía Ai Cập khẳng định các nhà điều tra chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy hành động tội ác trong vụ việc máy bay của hãng Metrojet (Nga) rơi. Phía Ai Cập cũng bác bỏ thông tin bắt giữ 2 nhân viên hàng không bị nghi liên quan đến thảm kịch rơi máy bay của Nga. 

Mảnh vỡ máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không Metrojet. (Ảnh: AFP).

Trước đó, Nga đã lên tiếng cho rằng một quả bom đã được mang lên chiếc máy bay bị rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập hồi cuối tháng 10. Cơ quan An ninh Nga cũng công bố cả số tiền thưởng lên đến 50 triệu USD cho thông tin về những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố máy bay Nga

Các nhà lãnh đạo Ai Cập đã nhận được thông tin từ Nga khi đang tới Sharm al-Sheikh tham dự cuộc gặp gỡ hàng tuần tại đây để thể hiện sự ủng hộ với ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ rơi máy bay Nga.

Bộ trưởng Bộ hàng không dân dụng Ai Cập cho biết, cuộc điều tra vụ rơi máy bay Nga tại bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31/10 chưa đi đến kết luận cuối cùng.

4. Bất chấp các căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về các tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, một chiến hạm Mỹ vẫn vào neo đậu ở Thượng Hải (Trung Quốc) trước khi diễn ra một cuộc tập trận theo kế hoạch giữa Mỹ và Hải quân Quân giải phóng Trung Quốc. 

Các quân nhân hải quân Trung Quốc đứng nhìn tàu chiến Stethem vào cảng Thượng Hải. Ảnh: AP.

Defense News đưa tin, khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Stethem theo lịch trình sẽ tham gia vào các cuộc tập trận bao gồm cả nội dung về thông tin liên lạc và mô phỏng cứu hộ mặt nước.

Sĩ quan chỉ huy của chiến hạm này, Harry Marsh, nói rằng chuyến thăm nhằm “xây dựng lòng tin lẫn nhau” giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Mỹ cập cảng Trung Quốc tính từ khi Washington đưa một chiến hạm (vào tháng trước) đi gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

5. Những ngày gần đây, không quân Pháp và Nga đều dồn dập không kích vào thủ phủ Raqqa của Nhà nước Hồi giáo (IS), nhóm thánh chiến đã lên tiếng chịu trách nhiệm về cả vụ rơi máy bay Nga tại Ai Cập và hàng loạt vụ tấn công nhằm vào thủ đô Paris, Pháp.

Trước khi tiến hành không kích vào các vị trí của IS tại Raqqa (Syria), chính quyền Nga đã báo trước kế hoạch này cho Mỹ. AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook ngày 17/11 cho biết, đây là lần đầu tiên Nga chia sẻ thông tin về “một trong số các chiến dịch của họ cho phía Mỹ”. 

Một kho vũ khí của IS ở Raqqa trúng bom của Nga. (Ảnh AFP).

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông tin rằng Nga đã điều máy bay ném bom tầm xa Tu-22 thực hiện thả bom vào các mục tiêu IS ở Raqqa và Deir Ezzor. Ông Shoigu cũng cho biết, các tên lửa hành trình của Nga cũng đã bắn trúng mục tiêu IS ở Idlib và Aleppo. 

Về phia Pháp, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian nói vào hôm 17/11: “Vào lúc này, không quân của chúng tôi... 10 chiến đấu cơ đang oanh kích Raqqa”.

Ông này cho biết thêm, “số cuộc không kích của Pháp nhằm vào các mục tiêu IS sẽ tiếp tục tăng”. Một khi tàu sân bay Charles de Gaulle tới nơi, sẽ có 36 chiến đấu cơ trong khu vực có khả năng tấn công các mục tiêu IS.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng kêu gọi một liên minh quốc tế chống lại IS và đã nhận được phản hồi tích cực của các bên liên quan.

EU ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Pháp. Người phụ trách chính sách ngoại giao Liên minh châu Âu Federica Mogherini ngày 17/11 cho biết: các nước thành viên EU nhất trí ủng hộ đầy đủ nhất và cũng sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ và trợ giúp cần thiết nếu Pháp yêu cầu. Nga cũng đã lên tiếng muốn hợp tác với Pháp chống kẻ thù chung là tổ chức IS tại Syria./.