Những phản ứng mạnh mẽ này được đưa ra giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng kế hoạch đầy tham vọng này của Washington thực chất là việc thành lập một "vùng cát cứ" chống lại chính quyền trung ương Syria, khiến Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này, kéo theo đó là những hệ lụy do căng thẳng leo thang và bùng phát xung đột.
Phản ứng trước việc Mỹ thông báo kế hoạch thành lập một đội quân an ninh biên giới 30.000 quân gồm các lực lượng do Washington hậu thuẫn nhằm kiểm soát khu vực rộng lớn phía bắc Syria sau khi tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo bước đi này có “thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi còn nhấn mạnh rằng kế hoạch này của Mỹ chẳng khác nào sự can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.
Nga thì coi kế hoạch này là “âm mưu chia cắt Syria” và đặt một phần lãnh thổ nước này dưới sự kiểm soát của Mỹ. Giới chức Nga vừa lên tiếng cảnh báo sẽ cùng các đối tác đáp trả việc liên minh do Mỹ dẫn đầu thành lập lực lượng an ninh biên giới ở Syria. Khi được hỏi liệu những hành động này của Mỹ có phương hại tới lợi ích của Nga tại Syria không, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov thẳng thắn trả lời rằng bước đi này thể hiện sự đối đầu trực tiếp với các lợi ích của Nga, nhấn mạnh Nga cùng các đối tác chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình Syria.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc thành lập một lực lượng an ninh biên giới (BSF) mới tại miền Bắc Syria sẽ hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố và điều này là “không thể chấp nhận được”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt kế hoạch này của Mỹ và gọi đây là bước đi đơn phương, sai lầm nghiêm trọng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 16/1 khẳng định: “Mỹ cách xa đây đến hàng chục nghìn km, nhưng họ đã tới và thành lập lực lượng quân đội của mình tại đây. Họ gọi đó là an ninh biên giới? Nhưng an ninh biên giới là gì? Hãy xem, chính phủ Syria đang nói rằng bước đi này của Mỹ đang gây ra mối đe dọa đối với họ và họ cũng không hoan nghênh việc thành lập lực lượng an ninh biên giới mới tại đây.”
Ván cờ Trung Đông: Nga đang “chơi trên cơ” Mỹ và không sa lầy ở Syria
Một thực tế không thể phủ nhận là từ lâu nay chính phủ Syria vẫn luôn coi sự hiện diện của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở lãnh thổ Syria là hành động “xâm lược”. Theo Bộ Ngoại giao Syria, việc Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới mới tại miền Bắc nước này là sự vi phạm chủ quyền Syria. Chính phủ Syria còn cáo buộc chính sách mới này của Mỹ nhằm gây trở ngại đối với nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực.
Nước cờ mới của Mỹ ngay lập tức làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ đang tìm cách hỗ trợ người Kurd xây dựng một "lãnh địa" riêng chia cắt đất nước Syria. Trong khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì luôn phản đối bất cứ ý đồ can thiệp nào của Mỹ ngoài phạm vi thỏa thuận hòa bình đã được nhất trí.
Phản ứng tức thời của các bên như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran cũng hoàn toàn là điều dễ hiểu khi các nước này lo ngại hành động của Mỹ tại Syria ít nhiều động chạm tới lợi ích của từng nước. Chưa kể một viễn cảnh tồi tệ hơn có thể xảy ra khi nhiều nhà quan sát cho rằng, những chính sách mang tâm lý thống trị này của Mỹ có thể châm ngòi cho một giai đoạn chiến tranh mới ở khu vực, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với hòa bình, an ninh quốc tế, mà trước mắt là cản trở các giải pháp chấm dứt xung đột, tìm kiếm hòa bình cho Syria./.