Nhiều nước châu Á đang phải đối mặt với một mùa mưa khắc nghiệt, với tình trạng lũ lụt, lở đất nghiêm trọng xảy ra nhiều nơi, làm nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Khoảng hơn 500 hộ gia đình đã phải đi sơ tán do lụt lội tại tỉnh miền Trung Samar của Philippines khi bão Kongrey - tiếng địa phương là Nando - tiến vào khu vực này.

Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Abigail Valte cho biết, khoảng 11 ngôi làng trong tỉnh đã bị ảnh hưởng. Những người sơ tán đang phải sống tạm thời trong các trường học.

Trung tâm Dự báo khí tượng Philippines cho biết, bão Kongrey đang mạnh dần lên và tiếp tục di chuyển gần hơn đến tỉnh Batanes, thuộc phía Bắc Philippines. Bão sẽ tiếp tục mang theo mưa to và gió lớn trên đảo Luzon.

Khu vực Đông Bắc Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng lụt lội tồi tệ nhất trong vòng hơn 1 thập kỉ qua. Tính đến ngày 27/8, đã có 85 người thiệt mạng và 105 người mất tích. Chính quyền tỉnh Cát Lâm cho biết, ít nhất 20 người thiệt mạng do lụt trong tỉnh và hơn 2,2 triệu người bị ảnh hưởng. Mưa lớn gây tình trạng hỗn loạn tại một số khu vực, khiến 239.000 người phải đi sơ tán. Ít nhất 58.000 ha hoa màu bị hủy hoại và khoảng 12.000 ngôi nhà bị phá hủy, với thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1,7 tỉ USD.

quan-doi-trung-quoc.jpg
Quân đội hỗ trợ vùng bị lũ lụt ở Trung Quốc (Ảnh: Press TV)

Mưa lớn cũng xảy ra tại khu vực tỉnh Hắc Long Giang và Liêu Ninh tại phía Đông Bắc Trung Quốc. Lụt lội tại tỉnh Hắc Long Giang cũng khiến mực nước một số con sông trong tỉnh tăng cao vượt mức cảnh báo, buộc hàng trăm giếng dầu tại mỏ dầu trong khu vực phải dừng hoạt động. Một quan chức trong tỉnh cho biết:

“Điều quan trọng là các nhân viên phải được an toàn và trang bị thiết bị không bị hư hại. Máy móc điện tử sẽ bị ngập trong nước lụt nếu chúng ta tiếp tục hoạt động. Điều này có thể gây ra tình trạng hỏng hóc các trang thiết bị. Điều thứ 2 là cần phải đảm bảo môi trường. Mặc dù các trạm trung chuyển, giếng dầu đã bị đóng nhưng khi mực nước tăng lên mức báo động, nó có thể gây ra tình trạng tràn dầu và rò rỉ  đường ống dẫn dầu, gây ra tình trạng ô nhiễm các con sông lân cận”.

Tại Myanmar, hoạt động cứu hộ đang tiếp tục diễn ra tại các bang Kayin và Mon, ở phía Nam nước này sau khi mưa lớn kéo dài nhiều tuần qua gây ra tình trạng lụt lội trên diện rộng. Mưa lớn được dự báo kéo dài trong vài ngày tới và mực nước một số con sông trong bang đã vượt trên mức báo động nguy hiểm. Phó Tổng thống Myanmar U Nyan Tun - dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ đi thị sát khu vực lụt lội tại bang Kayin, cung cấp tài chính, hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết, giáo dục, y tế cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi lụt lội.

Còn tại Lào, mưa lớn kéo dài từ ngày 20/8 tới nay đã gây ra lũ lụt nhiều nơi ở khu vực miền Bắc và miền Trung, làm ít nhất 16 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, hàng nghìn hectar hoa màu bị chìm trong nước, gia súc, gia cầm chết hàng loạt, hơn 115.000 người bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, thiệt hại do bão lụt gây ra trong năm nay đối với Lào lên tới 17 triệu USD.

Vào lúc này, nhiều ngôi làng phía Tây Ấn Độ cũng đang chìm trong nước lũ, làm hàng nghìn người phải sơ tán. Mực nước đập Narmada tại bang Gujaray đã vượt qua mức nguy hiểm, tràn vào thị trấn Bharuch và các khu vực lân cận. Chính quyền địa phương đã sơ tán người dân tại 30 ngôi làng trong khu vực. Một quan chức địa phương, ông Joravia cho biết: “Cùng với thị trấn Bharuch, 5 ngôi làng lân cận cùng với các ngôi làng ven viển đang phải đối mặt với tình trạng lụt lội nghiêm trọng. Tất cả người dân tại những ngôi làng bị ảnh hưởng đã được chuyển tới nơi an toàn”.

Mùa mưa tại Ấn Độ thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, rất quan trọng đối với nông nghiệp, nhưng cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, phá hủy mùa màng, nhà cửa, làm bùng phát bệnh dịch. Tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã phải trải qua một trận lụt lịch sử với hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích./.