Theo Reuters, mối quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc đã rất căng thẳng trong nhiều vấn đề khác liên quan đến những tranh cãi về lãnh thổ và gần đây nhất là chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện vào cuối năm ngoái.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 28/1, ông Abe nói rằng ông muốn xem xét lại lịch sử Nhật Bản và sẽ giảm bới giọng điệu hối lỗi của mình.

Quần đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (Ảnh Reuters)

Đây là một chủ đề khá nhạy cảm đối với cả Hàn Quốc và Trung Quốc bởi cả hai nước này vẫn chưa quên được những gì mà Nhật Bản gây ra cho họ trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Hakubun Shimomura cũng cho biết Bộ này đang xem xét lại sách giáo khoa để có thể giảng dạy “chính xác hơn nữa” về lịch sử của Nhật Bản và điều này thể hiện những nỗ lực ngoại giao của nước này nhằm giải thích rõ ràng động thái của nước này đối với các nước láng giềng.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Shimomura nhấn mạnh: “Một điều cực kỳ quan trong đó là trẻ em Nhật Bản, những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải hiểu đúng về lãnh thổ quốc gia”.

Ông Shimomura tuyên bố sách giáo khoa Nhật Bản sẽ được sửa đổi để làm rõ rằng những hòn đảo đang bị Hàn Quốc kiểm soát nhưng được cả hai nước tuyên bố chủ quyền - được gọi là Takeshima trong tiếng Nhật và Dokdo trong tiếng Hàn, thực ra là của Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay lập tức triệu Đại sứ Nhật tại Hàn Quốc đến để phản đối vụ việc này.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã kêu gọi Nhật Bản huỷ bỏ việc thay đổi trên vì họ cho rằng Nhật Bản đang dạy trẻ em của mình một các sai trái về việc tuyên bố chủ quyền các đảo trên.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc kịch liệt lên án việc này và yêu cầu Nhật Bản ngay lập tức rút lại việc này”.

Việc thay đổi sách giáo khoa của Nhật Bản cũng liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Nhật Bản rằng quần đảo này cũng thuộc lãnh thổ Nhật Bản và họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này.

Nếu được thông qua, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các môn học lịch sử, địa lý và giáo dục công dân tại các cấp học khác nhau tại Nhật Bản.

Khi được hỏi về những tranh chấp lãnh thổ gần đây, Bộ trưởng Shimomura cho biết ông lấy làm tiếc rằng các nước khác cũng muốn giành lấy những quần đảo này. Ông nhắc lại rằng trong lịch sử 2 quần đảo này thuộc về lịch sử.

"Chính vì thế, chúng tôi phải nỗ lực để giải thích rõ ràng về quan điểm của mình với hai nước trên và ming muốn họ hiểu rõ điều này”, ông Shimomura nói./.