Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi đi 1 thông điệp khiến nhiều người phải e ngại khi cho rằng, mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Tokyo và Bắc Kinh “có nét tương đồng” với tình trạng thù địch giữa các cường quốc châu Âu trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

abe1.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos hôm 22/1 (Ảnh: AFP)

Tờ The Independent dẫn lời của ông Abe phát biểu trước các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, hôm 22/1 cho rằng, “có nét tương đồng” khi so sánh mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc với mối quan hệ giữa Anh và Đức vào năm 1914.

Thủ tướng Nhật Bản cũng lưu ý rằng, trong trường hợp của các cường quốc châu Âu, những liên kết thương mại sâu rộng đã không thể ngăn chặn việc bùng phát chiến sự.

Cũng theo tờ The Independent, trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo Nhật Bản ngầm ám chỉ việc tăng cường chi tiêu quân sự của Bắc Kinh chính là nguyên nhân làm gia tăng bất ổn ở châu Á Thái Bình Dương. Ông Abe cũng không quên nói thêm rằng, Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ quân sự với Washington.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản leo thang kể từ khi Nhật quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.

Cuối tháng 11/2013, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm lên cả các khu vực Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, đã càng làm mối quan hệ giữa 2 cường quốc ở châu Á trở nên căng thẳng.

Mặc dù ngầm chỉ trích Trung Quốc nhưng ông Abe một lần nữa khẳng định cam kết lâu dài của Tokyo là không phát động chiến tranh, đồng thời cho rằng, 1 cuộc xung đột không có chủ ý từ trước của 2 nước sẽ là thảm họa.

The Independent dẫn lời Thủ tướng Abe: “Tôi xin khẳng định cam kết của Nhật Bản đó là không bao giờ tiến hành 1 cuộc chiến tranh. Chúng tôi muốn thế giới tiếp tục sống trong hòa bình”.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Abe cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng của đất nước Mặt trời mọc thông qua việc tăng số lượng phụ nữ giữ các cương vị quan trọng trong Chính phủ nước này lên khoảng 30% vào năm 2020.

Hiện tỷ lệ các nhà quản lý là nữ giới ở Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 12%, thấp hơn tỷ lệ trung bình ở các quốc gia phát triển khác. Để đạt được mục tiêu này, ông Abe đã kêu gọi chính quyền các địa phương thành lập thêm các trung tâm chăm sóc trẻ em để giúp phụ nữ có thêm thời gian hoạt động xã hội./.