Tờ Global Post dẫn tuyên bố nói trên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/2. Đây là một trường hợp hiếm hoi mà ông Abe nêu rõ tên của một quốc gia khiến cho Nhật Bản phải thực thi quyền tham gia phòng vệ tập thể với các đồng minh của mình.

Ông Abe cũng nói rõ rằng Nhật Bản sẽ nới lỏng những quy định của nước này về việc sử dụng các loại vũ khí của các binh sỹ thuộc Lực lượng Phòng vệ nước này tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

p-3c_copy.jpg
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Nhật Bản (Ảnh Oriental)

Thủ tướng Nhật Bản đã vạch ra bối cảnh “Triều Tiên có thể tấn công Mỹ” và tuyên bố: “Trong trường hợp cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, Nhật Bản sẽ phải thảo luận về việc liệu Nhật Bản có nên ngăn chặn các nước vận chuyển vũ khí và đạn dược vào Triều Tiên”.

Lời tuyên bố trên của ông Abe có ngụ ý cho phép Lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản kiểm tra các tàu chở hàng đến Triều Tiên như một biện pháp phòng vệ tập thể ngay cả nếu như Nhật Bản không bị Triều Tiên tấn công.

“Đáng lẽ ra tôi sẽ không nêu tên một nước cụ thể nào. Tuy nhiên tôi muốn đưa Triều Tiên ra như một ví dụ để làm rõ quan điểm của mình”, ông Abe giải thích trong phiên điều trần của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản nơi ông phải trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp của phe đối lập. 

Liên quan đến việc sử dụng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc, ông Abe cho rằng: “Các binh sỹ Nhật Bản sẽ cần phải sử dụng vũ khí trong trường hợp họ muốn giải cứu lực lượng quân đội của các nước khác đang bị tấn công”.

Trong khi đó, một Ủy ban của Chính phủ dự kiến sẽ đệ trình lên Thủ tướng Abe đề xuất về việc Nhật Bản sẽ gỡ bỏ lệnh cấm tham gia phòng thủ chung vào tháng 4 tới.

Các chuyên gia của Ủy ban này cho rằng điều này sẽ được thực hiện thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp của Nhật Bản./.