Theo AP, Uỷ ban trên cho biết sẽ thúc giục Chính phủ cho phép quân đội được hỗ trợ những đồng minh đang bị tấn công qua đó thay đổi hoàn toàn lệnh cấm phòng thủ chung của Nhật Bản theo đúng Hiến pháp hoà bình của nước này.

Cũng trong ngày 4/2, Ủy ban này đã thảo luận các biện pháp nhằm giúp Nhật Bản cải thiện khả năng phòng thủ của mình và tuyên bố sẽ trình bày bản dự thảo khuyến nghị của mình vào tuần tới trước khi đưa ra báo cáo cuối cùng vào cuối tháng 4.

Quân đội Nhật Bản tham gia cứu trợ tại Philippines (Ảnh AP)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mong muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc gìn giữ hoà bình quốc tế và nâng cấp khả năng phòng vệ của Nhật Bản nhằm chống lại những mối đe doạ quân sự tiềm tàng từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Người đứng đầu Uỷ ban gồm 14 thành viên này, cựu Đại sứ Nhật Bản Tại Mỹ Shunji Yanai, cho biết việc sửa đổi Hiến pháp chỉ có thể diễ ra nếu Chính phủ Nhật Bản thay đổi cách diễn giải hiện tại về bản Hiến pháp hoà bình của nước này.

Thủ tướng Nhật Bản rất hy vọng sẽ có thể chính thức thay đổi Hiến pháp bất chấp một thực tế rằng việc này sẽ vấp phải nhiều rào cản lớn.

Hiến pháp của Nhật Bản nêu rõ người dân Nhật Bản sẽ “mãi mãi từ bỏ chiến tranh vì quyền tự chủ của dân tộc” và “sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng bộ binh, hải quân, không quân cũng như những nguy cơ tiềm tàng có thể gây ra chiến tranh”.

Chính phủ Nhật Bản đã diễn giải những câu trên trong Hiến pháp có nghĩa là Nhật Bản không được phép sở hữu những loại vũ khí tấn công ví dụ như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBMs) hoặc các loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Thủ tướng Abe và những người ủng hộ quan điểm thay đổi Hiến pháp tin rằng quân đội Nhật Bản không nên phải chịu những hạn chế này và chính sách chỉ phòng vệ của Nhật Bản hiện nay là không đủ do tình hình an ninh trong khu vực ngày càng khó lường hơn.

Họ cũng nói rằng các tàu chiến của Mỹ cũng có khả năng bị tấn công khi đang hoạt động trong vùng biển của Nhật Bản hoặc có khả năng quân đội của Nhật Bản phải tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hoà bình trên toàn thế giới ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công trực tiếp.

“Việc chuẩn bị của Nhật Bản để đối phó với các mối đe doạ về an ninh trong khu vực không bao giờ là đủ. Chúng ta phải tính đến tất cả các phương án để bảo vệ mạng sống và sự an toàn của người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ngày 4/2.

Trước đó Nhật Bản đã liên tiếp nới lỏng các giới hạn về quân sự của mình nhằm tăng cường tiếng nói trên bình diện thế giới và đáp lại những kỳ vọng của Mỹ và nhiều nước khác.

Tuy nhiên, hiện tại các sứ mệnh gìn giữ hoà bình quốc tế mà Nhật Bản tham gia vẫn chỉ giới hạn ở các nhiệm vụ không cho phép quân đội nước này được tấn công và sự thay đổi Hiến pháp sẽ mở đường cho họ được thực hiện điều này.

Bản dự thảo báo cáo của Uỷ ban này cũng được kỳ vọng là sẽ cho phép Nhật Bản nới lỏng những giới hạn về việc xuất khẩu vũ khí, tham gia chủ động hơn nữa vào các chiến dịch về an ninh do Liên Hợp Quốc khởi xướng và tạo ra một khung pháp lý nhằm đối phó với những kẻ tấn công vào các hòn đảo ngoài xa nơi Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền./.