Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từ chối đưa ra lời bình luận về chuyến thăm Cộng hòa dân chủ nhân Triều Tiên của ông Isao Iijima, cố vấn Thủ tướng. Tuy nhiên, chuyến thăm cho thấy Nhật Bản đang tìm cách nối lại đối thoại với Triều Tiên.

Trả lời chất vấn của các nghị sĩ tại Ủy ban ngân sách Thượng viện hôm 15/5, về chuyến thăm bất ngờ của cố vấn Thủ tướng là Isao Iijima đến Bình Nhưỡng, Thủ tướng Shinzo Abe nhắc đi nhắc lại rằng cả Thủ tướng lẫn Chính phủ đều xin phép không đưa ra lời bình luận nào. 
Thay vào đó, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ kết hợp cả đối thoại với gây sức ép để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thủ tướng Abe nói: “Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề bắt cóc, vấn đề hạt nhân, vấn đề tên lửa để cải thiện quan hệ hai nước đúng như Tuyên bố Bình Nhưỡng giữa Nhật Bản và Triều Tiên”.
co%20van%20noi%20cac%20nhat%20ban%20den%20binh%20nhuong.jpg
Iijima (phải), cố vấn nội các Nhật Bản đến sân bay Bình Nhưỡng vào ngày 14/5 (ảnh: watoday.com.au)

Theo giới phân tích, tuyên bố này của Thủ tướng Abe cho thấy chuyến thăm bất ngờ đến Bình Nhưỡng của cố vấn thủ tướng là nhằm tìm kiếm con đường đối thoại với Triều Tiên. Dường như Nhật Bản nhận ra rằng chỉ gây sức ép sẽ không có tác dụng đối với Cộng hòa nhân chủ nhân dân Triều Tiên.

Việc Thủ tướng Abe từ chối đưa ra bình luận về chuyến thăm Bình Nhưỡng của cố vấn thủ tướng được cho là do chưa rõ Triều Tiên sẽ có phản ứng như thế nào với chuyến thăm.

Tuy nhiên, chuyến thăm này đang vấp phải phản ứng từ Mỹ và Hàn Quốc. Quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết Mỹ chỉ biết thông tin về chuyến đi của cố vấn thủ tướng Nhật Bản qua báo chí. Mỹ sẽ yêu cầu Nhật Bản giải thích khi Đặc phái viên phụ trách Triều Tiên của Mỹ Glyn Davies tới Nhật Bản vào ngày mai (16/5).

Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích Nhật Bản vì động thái xích lại gần Triều Tiên. Tờ Nhật báo Đông Á của Hàn Quốc cho rằng chuyến thăm Bình Nhưỡng của cố vấn thủ tướng Nhật Bản sẽ làm lung lay mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật – Hàn trong chính sách đối với Triều Tiên./.