Do vậy, vấn đề đảm bảo an ninh cho công dân của nước này ở trong và ngoài nước đang là bài toán ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản.
Ngày 3/1, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, các cơ quan an ninh của nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo các nước nhằm nhanh chóng thu thập và xử lý thông tin liên quan đến khủng bố.
Ngoài ra, các cơ quan an ninh Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ biên giới, cửa khẩu như các cảng hàng không, cảng biển để rà soát, ngăn chặn mọi sự xâm nhập vào Nhật Bản của thành viên các tổ chức khủng bố. Các cơ sở trọng yếu trong nước như hệ thống vận tải công cộng, căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được áp dụng chế độ bảo vệ nghiêm ngặt. Các trường học dành cho người Nhật Bản tại nước ngoài cũng sẽ được tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Suga nói: “Đoạn video về vụ hành quyết ông Goto cho chúng ta thấy rằng, những kẻ khủng bố đang nhắm mục tiêu tất cả người dân Nhật Bản. Điều này cũng cho thấy, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa thực sự và trực tiếp tới tất cả chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép những hành động độc ác và đê hèn của khủng bố, chúng ta cần phải tăng cường an ninh quốc gia và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc công dân và các cơ sở của Nhật Bản ở nước ngoài trở thành mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố".
Trước đó, ngày 2/2, Thủ tướng Abe tuyên bố muốn thảo luận về khuôn khổ sẽ cho phép quân đội giải cứu những công dân đang gặp nguy hiểm. Hiện ông Abe đang thúc đẩy thông qua đạo luật trong năm nay, theo đó sẽ dỡ bỏ lệnh cấm quân đội Nhật chiến đấu ở nước ngoài để giúp những đồng minh bị tấn công. Thủ tướng Abe hối thúc các đảng trong liên minh cầm quyền hợp lực đảm bảo an toàn cho các công dân đồng thời hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Abe tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để xây dựng một nền tảng vững chắc đảm bảo sự an toàn cho các công dân Nhật Bản. Đây là cách duy nhất để loại trừ chủ nghĩa khủng bố”.
Cuộc khủng hoảng con tin Nhật Bản vừa qua cho thấy mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố đang hiện hữu khắp mọi nơi, trong đó có những nước được coi là an toàn nhất trên thế giới như Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là liệu sau cú sốc con tin và mối hiểm họa mới có khiến Nhật Bản thay đổi chính sách gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố hay không.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự khủng hoảng con tin lần này có thể khiến người dân Nhật Bản và một số đảng bảo thủ sẽ xem xét lại vấn đề về quyền phòng vệ tập thể đã được thông qua vào năm ngoái.
Dư luận sẽ có những ý kiến tích cực hơn về quyền phòng vệ tập thể khi xem xét việc quân đội Nhật Bản tham gia với mức độ nào và với mục đích gì vào các hoạt động quân sự quốc tế. Đây cũng có thể coi là một bước tiến trong chính sách của Thủ tướng Abe.
Ông Koichi Nakano-Giáo sư Khoa chính trị thuộc trường đại học Sophia nói: "Tôi nghĩ rằng có sự tranh cãi. Người dân Nhật Bản đang chia rẽ vấn đề về vai trò quân sự của Nhật Bản tại nước ngoài. Nhiều người đổ lỗi cho ông Abe đã gây ra cuộc khủng hoảng, trong khi có những người khác đồng ý với ông Abe và cho rằng đây là lý do tại sao Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Dự kiến trong thời gian tới, Quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét đề xuất của Thủ tướng Abe về việc mở rộng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ nước này./.