Các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục gửi lời chia buồn tới tới chính phủ và người dân Nhật Bản sau khi Nhà nước Hồi giáo hành quyết công dân thứ 2 của nước này. Sau vụ khủng hoảng con tin tồi tệ, giới chuyên gia trong nước cảnh báo mối đe dọa tấn công nhằm vào Nhật Bản đang gia tăng.
Hôm nay, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và người đồng cấp Australia Julie Bishop đã gửi lời chia buồn tới người dân Nhật Bản sau khi IS công bố video hành quyết con tin người Nhật Kenji Goto.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Sydney, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói: “Chúng tôi sát cánh cùng người dân Nhật Bản và hơn hết là hợp tác với các đồng minh để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông Kenji Goto, cũng như người dân Nhật Bản”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng khẳng định: “Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới từ người Australia tới người dân và chính phủ Nhật Bản. Việc hành quyết các công dân Nhật Bản là hành động tàn bạo không thể nói nên lời. Chúng ta phải đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức”.
Cộng đồng người Hồi giáo tại Nhật Bản đã cùng chia sẻ nỗi đau với gia đình các con tin Nhật Bản đã bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết. Họ cũng thể hiện sự bàng hoàng trước hành động tàn bạo này. Ông Haroon Qureshi, người đứng đầu nhà Thờ Hồi giáo Masjid Otsuka tại thủ đô Tokyo đã gọi vụ hành quyết mới nhất của IS với nạn nhân là nhà báo người Nhật Kenji Goto là vô nhân tính. Ông gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và cho biết nhà báo Nhật Bản Kenji Goto đã làm rất nhiều việc giúp đỡ người Hồi giáo khi ông có mặt tại một trại tỵ nạn ở Syria: “Vụ hành quyết không phải là hành động của con người. Sự tàn bạo này đi ngược lại với những gì mà người Hồi giáo chúng tôi được dạy”.
Chính phủ Nhật Bản hôm nay xác nhận đoạn video quay cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo hành quyết một người được cho là nhà báo tự do của nước này Kenji Goto có khả năng là thật. Trong đoạn video công bố đêm ngày 31/1, kẻ hành quyết cũng đe dọa sẽ nhằm vào công dân Nhật Bản ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Trải qua cuộc khủng hoảng con tin tồi tệ này, các nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định Tokyo sẽ không bao giờ khoan nhượng các phần tử khủng bố và sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, giới chuyên gia phân tích Nhật Bản cảnh báo, vụ giết hại 2 công dân nước này cho thấy Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu lớn của khủng bố. Theo ông Isao Itabashi, chuyên gia về khủng bố quốc tế tại Hội đồng Chính sách công cộng tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã làm mọi điều có thể trong khả năng và quyền hạn của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin tồi tệ.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã không thể tiếp cận trực tiếp với những kẻ bắt cóc, vì chúng đã chuyển mục tiêu đàm phán sang chính phủ Jordan. Kẻ bắt cóc cũng đã chuyển đi thông điệp sẽ nhằm vào các mục tiêu Nhật Bản trong các vụ tấn công tương lai, do đó ông Itabashi kêu gọi chính phủ thực hiện mọi nỗ lực để giảm thiểu những mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào công dân Nhật Bản.
Theo đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân Nhật Bản ở nước ngoài và tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo tại các nước Trung Đông, cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước này./.