Ngày 7/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ hiện, với chương trình kích thích kinh tế trị giá 80.000 tỷ Yên (tương đương 665 tỷ USD).

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda giữ lập trường cho rằng, chương trình nới lỏng tiền tệ sẽ giúp đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này thoát khỏi gần 20 năm giảm phát: “Triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản là trên đà phục hồi ở tốc độ vừa. Giảm phát mà chúng ta chứng kiến trong thời gian dài đã thay đổi khá nhiều trong 2 năm rưỡi qua”.

bank_of_japan2_ixvn.jpg
Trụ sở Ngân hàng Nhật Bản ở Tokyo. (Nguồn: Getty)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đánh giá lạm phát hiện nay có thể ở mức khoảng 0% do ảnh hưởng giá năng lượng giảm. Tuy nhiên Ngân hàng này hy vọng đạt mục tiêu lạm phát 2% vào nửa đầu tài khóa 2016. Kinh tế Nhật Bản suy thoái trong quý 2 năm nay và một số chuyên gia dự báo, quý 3 năm nay cũng có thể vẫn suy thoái do nhu cầu trên toàn cầu giảm.

Tháng 4/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố kế hoạch mang tên Abenomics nhằm kích thích kinh tế và chấm dứt tình trạng giảm phát bằng một chương trình chi tiêu công và mua tài sản. Chính sách kinh tế Abenomics cho thấy nhiều hứa hẹn, với việc thị trường chứng khoán tăng điểm và tăng trưởng GDP được thúc đẩy, nhưng các chỉ số xấu gần đây đang gây hoài nghi về hiệu quả của chính sách này./.