Quỹ Tiền tệ quốc tế hôm qua (17/4) cảnh báo, chính sách nới lỏng tiền tệ như ở Mỹ có thể khuyến khích các tiêu chuẩn lỏng lẻo cho bảo lãnh phát hành của các tập đoàn, trong khi nợ của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng, tạo ra nguy cơ đối với ổn định tài chính toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhóm Ngân hàng thế giới (WB) hôm qua, người đứng đầu bộ phận phụ trách về tiền tệ và thị trường vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông José Viñals cho biết: “Ở Mỹ, nợ của các doanh nghiệp và tiêu chuẩn phát hành bảo lãnh đang ngày một lỏng lẻo hơn. Thậm chí nếu nền tảng của các tập đoàn này vững mạnh, sức bật phù hợp với mô hình kinh tế, tỷ lệ lãi suất ở Mỹ tiếp tục thấp thì các quỹ tiền lương hưu và các công ty bảo hiểm vẫn phải chịu nhiều rủi ro hơn khi phải tìm những loại tài sản có tính linh hoạt hơn để bù vào lỗ hổng này”.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục kéo dài chính sách siêu nới lỏng tiền tệ thì các rủi ro tài chính tiềm tàng sẽ gia tăng, "bao gồm rủi ro tín dụng của các ngân hàng, khó khăn trong việc khởi động lại thị trường vốn trong các ngân hàng tư nhân và những thách thức đang tồn tại trong thị trường do sự can thiệp của các ngân hàng trung ương gây ra". Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh việc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định tại các nền kinh tế mới nổi.
Nhìn chung, Quỹ Tiền tệ quốc tế khẳng định ổn định tài chính toàn cầu trong 6 tháng có đã được cải thiện và ít có bong bóng tài sản hơn. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tế quốc tế kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục cải cách cấu trúc và ngân hàng để hạn chế tối đa quy luật lặp lại của khủng hoảng tài chính./.