Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 22/4 đã kết thúc cuộc điều tra kéo dài 8 ngày về các sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Ông Juan Carlos Lentijo, người dẫn đầu nhóm chuyên gia của IAEA cho biết: “Với một địa điểm phức tạp như vậy, có khả năng sẽ xảy ra thêm nhiều sự cố trong tương lai. Đây là điều mà Công ty Điện lực TEPCO có thể xác định được trong kế hoạch của mình. Tôi cho rằng, Nhật Bản có thể phải ngừng hoạt động nhà máy hạt nhân này trong ít hơn 30 hoặc 40 năm nữa”.

Theo yêu cầu của Chính phủ Nhật Bản, nhóm chuyên gia của IAEA đã có mặt tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima để đánh giá tình trạng hỏng hóc của nhà máy và đưa ra lời khuyên cho việc ngừng hoạt động cơ sở phản ứng hạt nhân này.

fukushima-1.jpg
Một bức ảnh chụp nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Ảnh: AP)

Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang có lộ trình ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân trong thời gian 30 đến 40 năm. Mặc dù tin tưởng vào khả năng xử lý các sự cố của Công ty Điện lực TEPCO nhưng IAEA cũng lo ngại rằng khó có thể xử lý triệt để nguồn nước bị ô nhiễm.

Công ty Điện lực TEPCO vẫn đang nỗ lực để lọc và lưu trữ nguồn nước bị nhiễm xạ tiếp tục tràn vào tầng hầm của các tòa nhà phản ứng hạt nhân với tốc độ 400 tấn/ngày. Hiện tại, hơn 80% dung tích các bồn chứa đã đầy, buộc công ty này phải xây thêm nhiều bể chứa mới.

Đây là cuộc điều tra lần thứ 3 của IAEA với nhà máy điện Fukushima kể từ khi  xảy ra thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011. Tính đến nay đã 2 năm nhưng nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn trong tình trạng vô cùng nguy hiểm khi hệ thống làm mát nhiên liệu hạt nhân liên tục gặp sự cố./.