Số liệu thống kê chính thức cho tới ngày 5/5 cho thấy, Anh đã vượt Italy về số ca tử vong và trở thành nước nhiều ca tử vong vì dịch Covid-19 nhất châu Âu.
Dấu mốc “nghiệt ngã” này dường như không thể tưởng tượng được đối với nước Anh khi chỉ 2 tháng trước, nước này mới ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 và Thủ tướng Boris Johnson nói rằng đã chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), số bệnh nhân tử vong đã tăng vọt trong 2 tuần trở lại đây. Tới nay, Anh có 32.313 người chết do Covid-19, so với hơn 70.000 ca ở Mỹ - quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên thế giới và hơn 29.000 ca ở Italy.
Patrick Vallance, Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh từng cho rằng nếu có thể hạn chế số ca tử vong ở mức 20.000 thì đó là kết quả tốt.
“Sẽ thật bất thường nếu như số ca tử vong của nước này đạt đến con số 30.000 ở thời điểm hiện tại”, David King, một cố vấn khoa học hàng đầu từ năm 2000 đến 2007 phát biểu với BBC vào tuần trước.
“Một loạt các hành động cần làm để kiểm soát dịch bệnh đã không được thực hiện. Có vẻ như chúng ta đang phản ứng chậm trước đại dịch này”, ông David nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã phải nằm viện để điều trị Covid-19, hiện phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc về sự thiếu quyết liệt trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19.
Đầu tháng 3, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, chính phủ Anh chỉ đưa ra khuyến cáo người dân nên rửa tay sạch sẽ như một cách phòng dịch tốt nhất, bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc.
Ngày 3/3, ông Johnson vẫn bắt tay với người dân sau khi gặp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. 2 ngày sau đó, Anh công bố ca tử vong đầu tiên do Covid-19.
Khi số ca nhiễm bệnh bắt đầu tăng lên vào giữa tháng 3, việc theo dõi tiếp xúc, bao gồm cả việc truy vết và xét nghiệm những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, vẫn bị lơ là.
Trong khi đó, biện pháp theo dõi tiếp xúc đã được các quốc gia Hàn Quốc và New Zealand áp dụng mạnh mẽ để không làm tăng tốc độ lây lan dịch bệnh và số ca tử vong.
Đại học Hoàng gia London cũng đưa ra cảnh báo rằng, nếu không thực hiện các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn thì có thể dẫn tới nguy cơ hàng trăm ngàn người sẽ tử vong.
Sự thay đổi có vẻ đã muộn màng khi mãi đến ngày 23/3, Thủ tướng Anh mới công bố lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng dịch. Khi ấy, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Anh đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Với việc phong tỏa toàn quốc đang làm tê liệt nền kinh tế và chưa có kế hoạch nới lỏng, Anh đang hướng tới mục tiêu quay trở lại áp dụng biện pháp theo dõi tiếp xúc, việc mà các nhà phê bình cho rằng không bao giờ nên loại bỏ.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cam kết sẽ tăng cường xét nghiệm lên 100.000 mẫu/ngày và tuyển dụng hơn 18.000 người để làm việc trên một ứng dụng theo dõi tiếp xúc vào giữa tháng 5.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn chỉ trích rằng chính phủ Anh mất quá nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp mà đáng ra phải làm từ sớm. Richard Horton, biên tập viên tạp chí y khoa The Lancet cho rằng phản ứng của người Anh là một thất bại nghiêm trọng.
“Nếu chúng ta dành tháng 2 để tăng cường xét nghiệm, mở rộng theo dõi tiếp xúc và tăng công suất sử dụng giường chăm sóc y tế đặc biệt thì chúng ta đã có thể cứu được nhiều mạng sống hơn”, ông Horton nói với tờ Financial Times./.