Kế hoạch của Nga và Mỹ đề xuất tổ chức một Hội nghị quốc tế về Syria vào tháng tới với mục đích chính là tập hợp các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria, đang đối mặt với nhiều thách thức khi cả chính phủ Syria và lực lượng đối lập đều kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Trong khi đó, các cường quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cách tiếp cận về Syria.

Hội nghị quốc tế dự kiến diễn ra vào tháng tới được cộng đồng quốc tế hoan nghênh coi đó là giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Mục đích chính của hội nghị trên là tập hợp các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Moscow và Washington sẵn sàng sử dụng mọi khả năng để đưa chính phủ Syria và phe đối lập đến bàn thương lượng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Tổng thống Syria Assad cũng như Liên minh Dân tộc Syria – nhóm đối lập chính được các nước phương Tây hậu thuẫn chưa đưa ra cam kết chắc chắn tham dự hội nghị này.

syria1.jpg
Bạo lực vẫn tiếp diễn tại Syria (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp của lực lượng đối lập hôm qua tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, cựu Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria Moaz al-Khatib khẳng định, bất cứ sáng kiến nào cũng cần phải dẫn đến việc Tổng thống  Syria Bashar Assad  phải từ chức.

Ông An Khatib nói: “Bất cứ cuộc đàm phán nào cũng phải dẫn đến sự sụp đổ chế độ của ông Assad. Bất cứ cuộc đàm phán nào trao thêm cơ hội cho chính phủ Syria tiếp tục nắm quyền lâu hơn thì chúng tôi đều không chấp nhận”.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên truyền hình gần đây, Tổng thống Assad khẳng định, ông sẽ không từ chức trước bầu cử và các nước không có quyền can thiệp vào vấn đề chính trị của nước này.

Những lập trường cứng rắn của hai bên trước thềm hội nghị cho thấy để giúp hai lực lượng này ngồi vào bàn đàm phán sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Không phải không có lí do khi các bên tại Syria đều kiên quyết không chịu nhượng bộ bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như tình hình bạo lực ngày càng gia tăng tại Syria. Các nước  phương Tây đang tìm kiếm gây sức ép để Tổng thống Syria Assad phải từ chức.

Ngoại trưởng Anh  William Hague ngày 20/5 cảnh báo, tất cả các lựa chọn đều đang để ngỏ bao gồm cả khả năng vũ trang cho lực lượng đối lập Syria. Ông Hague nhấn mạnh: “Chưa có quyết định về việc gửi vũ khí đến bất cứ bên nào trong cuộc xung đột. Nếu chúng tôi thực hiện quyết định này sẽ tuân theo một số điều kiện: Phối hợp với các nước khác, xem xét tình hình cẩn thận, phù hợp với các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế. Anh và Pháp đều khẳng định rằng, thay đổi lệnh cấm vận vũ khí không tách biệt với các giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, nếu chính phủ Syria không đàm phán nghiêm túc tại hội nghị lần này, chúng tôi sẽ để ngỏ tất cả các lựa chọn”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov kêu gọi lực lượng đối lập Syria tham gia các cuộc đối thoại hòa bình mà không kèm theo “những điều kiện không thực tế”. Đến thời điểm này, hai nước đề xuất tổ chức hội nghị là Nga và Mỹ vẫn có những cách tiếp cận khác nhau về vấn đề Syria. Nga được cho là ủng hộ chính phủ Syria của Tổng thống Assad trong khi Mỹ  hậu thuẫn phe đối lập đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad.

Mặc dù vậy, sự hợp tác Nga - Mỹ rất có ý nghĩa vào thời điểm này và là con đường đúng đắn nhất, giúp mang lại cơ hội cho Syria chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 2 năm qua./.