Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 2 năm qua tại Syria tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường. Trong lúc giao tranh xung quanh thủ đô Damas giữa quân chính phủ và lực lượng đối lập diễn ra ác liệt thì những động thái quân sự cũng như thông tin từ nhiều nước phương Tây khiến dư luận không khỏi lo ngại về một cuộc chiến tổng lực tại quốc gia Trung Đông này.

luc-luong-noi-day-syria.jpg
Lực lượng nổi dậy ở Syria (Ảnh: AFP)

Nổi bật trong đó là thông tin của các nước phương Tây cho rằng, Syria có thể đang sở hữu vũ khí hóa học. Loại vũ khí hủy diệt này từng là cái cớ mà Mỹ và đồng minh đưa ra để lật đổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bằng cuộc chiến hồi năm 2003.

Trong chuyến thăm một trại tị nạn dành cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây vài ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định, chưa có thông tin xác thực nào về việc Tổng thống Bashar al-Assad chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học. Mặc dù vậy, vũ khí hóa học lại trở thành vấn đề nóng hiện nay khi Mỹ cùng đồng minh coi đó là "giới hạn đỏ" và cảnh báo chính phủ đương nhiệm Syria sẽ phải đối mặt với "phản ứng mạnh mẽ" của cộng đồng quốc tế nếu sử dụng vũ khí hóa học chống lại lực lượng nổi dậy.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Barack Obama đã phát đi một cảnh báo nghiêm túc đối với Tổng thống Bashar al-Assad khi nói rằng:  Việc sử dụng vũ khí hóa học là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Nếu chính quyền của ông al-Assad sử dụng chúng thì sẽ phải ghánh chịu hậu quả ".

Phát biểu trong chuyến thăm Kuwait ngày 11/12 , Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta cũng đưa ra cảnh báo: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện bất cứ điều gì đối với việc chính quyền của ông Assad định sử dụng kho vũ khí hóa học, nhưng chúng tôi vẫn theo dõi sát sao những động tĩnh của Syria. Nếu chính quyền của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân của mình thì sẽ phải ghánh chịu hậu quả nghiêm trọng”.

Hiện lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đang được tăng cường và sẵn sàng đối phó trong trường hợp Tổng thống Bashar al-Assad lệnh sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống lại các tay súng đối lập  tại đây.

Về phía Syria, Thứ trưởng Ngoại giao Faisal Maqdad đã cáo buộc Mỹ và châu Âu sử dụng thông tin về vũ khí hóa học để biện minh cho hành động can thiệp quân sự trong tương lai chống lại quốc gia Trung Đông này.

"Nếu Syria có vũ khí hóa học, thì những vũ khí này sẽ chắc chắn không thể được sử dụng chống lại người dân của Syria. Chúng tôi lo ngại về một kế hoạch của Mỹ và một số nước châu Âu mà có thể đã cung cấp vũ khí như vậy cho các tổ chức khủng bố ở Syria, để sau đó đổ lỗi cho Chính phủ Syria đã sử dụng những vũ khí này".

Theo số liệu do Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố mới đây, bên cạnh hàng trăm nghìn người tị nạn Syria hiện đã đăng ký hoặc chờ đăng ký để đến các quốc gia láng giềng, đã có hơn 63.000 người chạy sang Iraq để tránh cuộc xung đột. Đây là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã hiện hữu. Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa thấy bất kỳ hy vọng nào rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria có hy vọng giải quyết. Giới phân tích nhận định lợi ích của các bên muốn can dự vào cuộc chiến tại Syria đang dự báo một thời kỳ khó khăn cho nước này./.