Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lần thứ 2 liên tiếp, các địa phương của Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi người dân “ở yên tại chỗ” và không về quê ăn Tết trong dịp Năm mới và Tết Nguyên đán. Người dân Trung Quốc cũng được khuyến khích vận động người thân ở nước ngoài hoặc các vùng có nguy cơ dịch bệnh cao không về quê ăn Tết.
Người dân “ăn Tết tại chỗ” hay về quê, ai là người quyết định?
Thông thường, việc quyết định cách người dân Trung Quốc đón Tết như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh sẽ do Ủy ban Y tế Quốc gia nước này đưa ra. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa lên tiếng hay ban hành một văn bản nào về việc người dân có được về quê ăn Tết hay không.
Mặc dù vậy, ngay từ cuối tháng 11, đã có một số địa phương ở Trung Quốc đưa ra các lời kêu gọi hoặc gửi thư ngỏ động viên người dân “ở đâu ở yên đó” khi Năm mới và Tết Nguyên đán đang đến gần.
Gần đây nhất là hôm 14/12, thành phố Ninh Ba, nơi đang bùng phát dịch cộng đồng ở tỉnh Chiết Giang, một trung tâm sản xuất lớn ở vùng ven biển Đông Nam Trung Quốc, đã ra thông báo kêu gọi các doanh nghiệp giữ chân người lao động ở lại trong 2 dịp lễ, một phần vì nguyên nhân chống dịch, mặt khác để duy trì sản xuất.
Chính quyền thành phố thậm chí còn treo thưởng đối với các doanh nghiệp sản xuất tư nhân có tổng giá trị sản lượng công nghiệp trong quý I/2021 đạt hơn 10 triệu nhân dân tệ, nếu sản lượng trong quý I/2022 tăng 10% trở lên, sẽ được thưởng 10.000 nhân dân tệ cho mỗi lần tăng thêm 10 triệu nhân dân tệ, mức thưởng tối đa là 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ đồng Việt Nam).
Thực tế cho thấy, thời gian qua mỗi khi địa phương nào đó ở Trung Quốc để bùng phát dịch cộng đồng, hàng loạt quan chức sẽ bị đưa ra kỷ luật, thậm chí cách chức. Rõ ràng, với chính sách chống dịch nghiêm ngặt như hiện nay, áp lực chống dịch đối với các chính quyền địa phương tại đây là rất lớn.
Thêm vào đó, đối với những nơi chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngoại tỉnh để duy trì sản xuất và phát triển kinh tế, câu chuyện tìm lao động sau Tết cũng là vấn đề nan giải. Do vậy, chưa cần có quy định thống nhất, các địa phương ở Trung Quốc đã sớm đưa ra lời kêu gọi ăn Tết tại chỗ, điều mà họ cho rằng là cần thiết và quan trọng hơn cả trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Dịch ở Trung Quốc có nghiêm trọng?
Có thể nói, dịch cộng đồng đang âm ỉ ở Trung Quốc kể từ khi bước vào mùa Đông. Hiện nay, một đợt dịch cộng đồng vẫn đang bùng phát ở Chiết Giang và lẻ tẻ ở một số tỉnh khác như Quảng Đông, Thiểm Tây, Nội Mông và An Huy. Thêm vào đó, việc ghi nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó ca bệnh ở Quảng Châu phát hiện sau khi đã hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương, cũng phần nào dấy lên lo ngại về việc biến thể này lan ra cộng đồng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu so với năm ngoái, dịch năm nay không nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, Trung Quốc đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch suốt 2 năm qua, tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ ở nước này cũng cao, khoảng 82% và thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên cũng đã được phê duyệt. Do vậy, trong điều kiện vẫn đóng cửa biên giới với thế giới, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch.
Đây cũng là lý do đến nay Ủy ban Y tế Quốc gia nước này vẫn chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về việc yêu cầu người dân “đón Tết tại chỗ”, mặc dù quan chức của cơ quan này mới đây nhận định, kỳ nghỉ Năm mới và Tết đang đẩy cao nguy cơ bùng phát dịch và nhấn mạnh tính cấp thiết của các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ, chính xác hơn.
Yêu cầu người dân “ăn Tết tại chỗ” – chống dịch hay “lãn chính”?
Người Trung Quốc có câu: “Có tiền, không tiền về quê ăn Tết”. Điều này cho thấy nhu cầu và mong muốn đoàn tụ đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân nơi đây. Họ có thể bôn ba, vất vả, tất bật đi làm ăn xa cả năm, những mỗi khi Tết đến Xuân về, với họ, về nhà đón Tết cùng gia đình, người thân luôn là điều thiêng liêng, đáng trân trọng.
Ngay khi các địa phương đưa ra lời kêu gọi ăn Tết tại chỗ, không ít cư dân mạng nước này đã cảm thấy “ngạc nhiên”, thậm chí “thất vọng”. Họ cho rằng nếu năm ngoái làm như vậy họ có thể thông cảm, nhưng năm nay khi Trung Quốc luôn khẳng định sự thành công của chiến lược chống dịch “không ca nhiễm năng động”, tỷ lệ tiêm chủng cao đã gần đạt mức miễn dịch cộng đồng, cách làm này đã không còn phù hợp. Có người gọi đây là cách làm cứng nhắc và biểu hiện của “lãn chính”, tức cách xử lý công việc lười nhác, đơn giản.
Truyền thông Trung Quốc ngay sau đó đã phải trích lời ông Tăng Quang, chuyên gia cao cấp của Ủy ban Y tế Quốc gia và cũng là chuyên gia uy tín về dịch tễ học ở Trung Quốc khẳng định, hầu hết mọi người dân nước này nếu muốn về nhà đều có thể về. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu không thực sự cần thiết, họ vẫn nên ăn Tết tại chỗ và nhắc nhở người dân chú ý phòng dịch cẩn thận khi di chuyển.
Còn ông Hồ Tích Tiến, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hoàn cầu cho rằng, việc vận động người dân đón Tết tại chỗ không phải là không được, nhưng sự vận động ấy không nên chỉ vì một sự lo lắng chung chung nào đó hay chỉ đơn giản là để “bảo toàn”, mà cần có cơ sở khoa học và cơ sở chính sách, hơn nữa quy trình ra quyết định phải minh bạch, rõ ràng.
Theo ông, nếu áp dụng điều này trên cả nước, đó sẽ không còn là phòng chống dịch chuẩn xác, khoa học nữa, mà là làm quá và mang tính chính trị.
Ông khẳng định, dịch bệnh chưa thể qua đi trong ngắn hạn, nhưng ngoài phòng chống dịch, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, kinh tế vẫn phải phát triển. Ý nghĩa chiến lược chống dịch của Trung Quốc là giảm thiểu cái giá phải trả do phòng chống dịch gây ra, chứ không phải là chống dịch bằng mọi giá./.