Trước sức ép gia tăng từ dòng người tị nạn khổng lồ, Liên minh châu Âu khẳng định, đối phó với cuộc khủng hoảng này là một tiến trình lâu dài và phải bắt đầu từ ngoài biên giới châu Âu.

Dòng người tị nạn khổng lồ đang tiếp tục đổ về châu Âu không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, mà còn khiến các nước ở trong “khối thống nhất” Liên minh châu Âu lâm vào “cuộc chiến biên giới” căng thẳng. 

Dòng người tị nạn khổng lồ đang tiếp tục đổ về châu Âu. (ảnh: AP).

Tranh cãi giữa các nước châu Âu tỷ lệ thuận với dòng người dị nạn đang không ngừng tăng lên. Biện pháp xây hàng rào, phong tỏa và đóng cửa biên giới đang được nhiều nước lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. 

Hungary ngày 24/9 thông báo bắt đầu xây dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Slovenia, động thái tương tự mà nước này đã làm với Serbia và Croatia tuần trước. 

Việc Hungary đóng cửa biên giới với các nước láng giềng đã khiến hàng nghìn người di cư chuyển hướng tới Croatia hay Slovenia để tiếp tục hành trình đi tới “miền đất giàu có” Tây Âu. Sức ép khổng lồ của dòng người nhập cư đã khiến “cuộc chiến biên giới” giữa các nước châu Âu leo thang.

Trong đó, Croatia đã cấm tất cả phương tiện giao thông đăng ký ở Serbia tiến vào lãnh thổ nước này. Đây được xem là động thái đáp trả của Croatia chỉ vài giờ sau khi nước láng giềng Serbia cấm vận xe tải và hàng hóa của nước này.

Những căng thẳng này đều bắt nguồn từ việc Croatia trước đó đóng cửa tạm thời các cửa khẩu biên giới với Serbia, mà theo nước này là giải pháp duy nhất để ngăn chặn 44.000 người di cư chuyển hướng tới Croatia sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia.

Phát biểu khi lệnh cấm vận biên giới với Croatia hết hiệu lực, Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nebojsa Stefanovic khẳng định mong muốn tìm một giải pháp chung cho vấn đề: “Serbia khó có thể hành động đơn lẻ để giải quyết vấn đề. Căng thẳng này cần đến sự giải quyết và hợp tác của cả 2 nước. Chúng tôi đã sẵn sàng giải quyết vấn đề”.

Trong khi đó, quyết định mới của các nhà lãnh đạo tại “miền đất hứa Tây Âu” có thể khiến cho những người di cư hối hận vì đã lựa chọn hành trình này. Đức và Áo tuyên bố thiết lập lại các quy định yêu cầu người di cư phải xin tị nạn tại các nước mà họ đặt chân tới đầu tiên để được tiếp tục tới 2 nước này.

Với quy định này, hàng nghìn người di cư, chủ yếu là từ Syria, Iraq và Afghanistan, đã tới châu Âu và đang tiếp tục tới Áo sẽ bị gửi trả lại nước tiếp nhận đầu tiên.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner nói: “Chúng tôi đã gửi trả lại khoảng 5.000 đến 5.500 người nhập cư từ Áo về các nước tiếp nhận ban đầu, đặc biệt là Bungari và Rumani”.

Còn theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, châu Âu còn lâu mới có được một giải pháp thống nhất cho cuộc khủng hoảng nhập cư, tuy nhiên bà khẳng định những bước đi đầu tiên đã được triển khai.

Thủ tướng Đức nói: “Một cơ chế phân phối người tị nạn chỉ có thể có hiệu quả nếu chúng ta triển khai được một quy trình đang ký phù hợp và nhất quán từ các khu vực biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu, để xác định những yêu cầu cần thiết để bảo vệ người nhập cư tới Liên minh châu Âu. Tôi khẳng định rằng, châu Âu không chỉ cần phân phối lại người nhập cư mà còn cần một quá trình lâu dài để phân phối công bằng giữa các nước thành viên”.

Nhiều cuộc họp của giới chức Liên minh châu Âu đã diễn ra trong tuần này để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư. Ngày 23/9, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp thượng đỉnh không chính thức cho vấn đề này.

Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 3 của Liên minh châu Âu về chủ đề này kể từ tháng 4 vừa qua, theo đó, các nước thành viên EU cam kết viện trợ ít nhất 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) cho người tị nạn tại các nước láng giềng của Syria thông qua các cơ quan Liên Hợp Quốc.

Trước đó, ngày 22/9, các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu đã đạt được sự đồng thuận về phân bổ 120.000 người di cư. Song thực tế, thỏa thuận bắt buộc này đang gây căng thẳng giữa các quốc gia như Hungary, Romania, Cộng hòa Séc và Slovakia, vốn phản đối kế hoạch phân bổ./.