Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama mời toàn bộ 10 nhà lãnh đạo ASEAN thăm Mỹ vào năm 2010, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực này, mà còn là thông điệp, Washington đang hướng tới xây dựng quan hệ đối tác phát triển với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Kế hoạch đó đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và càng trở thành mối quan tâm chung, khi ngày 15/11/2010, tại Singapore, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ dưới sự đồng chủ toạ của Tổng thống Obama và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva - Chủ tịch đương nhiệm ASEAN.

Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và Mỹ, cũng là diễn đàn  thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai bên, các vấn đề về không phổ biến vũ khí hạt nhân, cách xử lý thảm hoạ, đặc biệt là bàn tới những phương hướng hợp tác cụ thể sẽ được triển khai trong năm 2010.

Từ 1/1/2010, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Vì thế tại cuộc gặp cấp cao của Tổng thống Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN, Việt Nam còn giữ vai trò là đối tác chính của Mỹ trong quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Đáng chú ý là cả hai cuộc gặp cấp cao ASEAN - Mỹ đều do Nhà Trắng khởi xướng và tổ chức thực hiện. Điều đó cho thấy Mỹ đang tăng tốc trong việc nâng tầm quan hệ với ASEAN. Cùng với việc, tuần tới Tổng thống Obama bắt đầu chuyến công du đầu tiên trên cương vị Người đứng đầu Nhà Trắng tới Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc, càng chứng tỏ, Mỹ đã thật sự trở lại châu Á. Do đó, việc tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, chính là nằm trong chiến lược phát triển của Mỹ. Đó là sự thay đổi rõ nhất trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.

Còn nhớ, người tiền nhiệm của ông - cựu Tổng thống Geogre Bush, đã sẵn sàng huỷ cuộc gặp cấp cao Mỹ - ASEAN được hoạch định vào tháng 9/2007 vào phút cuối, với lý do ASEAN không phải là sự lựa chọn của Mỹ. Cái giá cho sự xác định sai lầm đó, là Mỹ đã không có vai trò tại khu vực này, trong khi Trung Quốc, Nga trở thành đối tác quan trọng của ASEAN.

Đặc biệt, cũng từ thị trường đầy tiềm năng của 10 quốc gia Đông Nam Á này, mà Trung Quốc có đà vươn lên mạnh mẽ, tạo nên mối đe doạ thật sự về kinh tế, khoa học kỹ thuật đối với Mỹ.

Vì thế, với Tổng thống Obama, đến với các nước Đông Nam Á, không chỉ đơn giản ông là người rất am hiểu truyền thống, phong tục nơi đây, do đã từng có nhiều năm sống và học tập ở Indonesia. Mà quan trọng là hiện nay, Washington đã xác định được vị trí và tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược phát triển của Mỹ.

Thực vậy, ASEAN nằm ở vị trí trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, được đánh giá là khu vực có tiềm năng kinh tế nhất. Sự phát triển của một loạt nước trong khu vực này như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và sự phục hồi của Nhật Bản, càng làm tăng giá trị chiến lược của ASEAN. Đặc biệt, khi các quốc gia của tổ chức này bắt đầu ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và đã lấy lại đà tăng trưởng, thì đây là thời điểm thích hợp để Mỹ thiết lập lại mối quan hệ không chỉ với ASEAN mà cả với từng nước thành viên.

Hiện tại Mỹ và ASEAN hoàn toàn có môi trường, điều kiện thuận lợi để tạo dựng các mối quan hệ hợp tác tích cực giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại, đầu tư, khi Mỹ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN (TAC) vào tháng 8/2009. Đồng thời Washington cũng triển khai hợp tác với 4 nước lưu vực sông Mekong là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ngay cả với Myamar, cho dù còn bất đồng về vấn đề nhân quyền, nhưng thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Myanmar cũng được cải thiện rõ rệt.

Như vậy, khi Mỹ vẫn chưa thể có lợi ích từ những khu vực giàu tiềm năng về dầu mỏ ở Trung Đông do nơi đây vẫn đang là điểm nóng xung đột, thậm chí còn bị sa lầy tại hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, rõ ràng, Tổng thống Obama đang có cơ hội để thiết lập lại những mối quan hệ tốt đẹp với ASEAN.

Nếu ý tưởng đó trở thành hiện thực, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN và cuộc gặp của người đứng đầu Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo ASEAN sắp tới, sẽ là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng lợi ích cho cả Mỹ và châu Á./.