Ông Georges Loinger – một giáo viên dạy giáo dục thể chất tại Pháp, người giúp hàng trăm trẻ em Do Tháikhông bị đưa vào các trại tập trung, đã qua đời ngày 28/12/2018 tại nhà riêng ở Paris, Pháp. Con trai ông Daniel cho biết, ông Georges Loinger đã bị một cú ngã thời gian gần đây và ra đi ở tuổi 108.

merlin_148571268_e3d0093d_80c4_4b40_9b26_7760ab790801_jumbo_zivw.jpg
Ông Georges Loinger đeo huân chương trước ngực. Ảnh: NYTimes.

Vào thời điểm sau khi Đức xâm lược Pháp năm 1940, một tổ chức cứu trợ có tên gọi Oeuvre Secours Enfants (viết tắt là O.S.E) đã phối hợp với Phong trào kháng chiến Pháp, giải cứu con cái của những người Do Thái gốc Châu Âu bị phát xít Đức giết hại hoặc đưa vào các trại tập trung. Georges Loinger là thành viên của tổ chức này. Đã có nhiều trẻ em được giải cứu. Các em được đưa vào những nhà thờ Công giáo Pháp hoặc đưa tới Mỹ. Một số khác sống trong những nơi trú ẩn an toàn trên khắp nước Pháp. Tại đây, các em được giáo viên Georges Loinger – người gốc Do Thái dạy luyện tập thể thao để đảm bảo sức khỏe về thể chất và tinh thần.

Vào mùa xuân năm 1943, khi phát xít Đứcđẩy mạnh các nỗ lực giết hại người Do Thái gốc Pháp, tổ chức O.S.E đã giao cho Georges Loinger nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm là đưa những trẻ em này đến địa điểm an toàn tại Thụy Sỹ - vùng lãnh thổ trung lập. Georges Loinger là người phù hợp với công việc này. Ông không chỉ thành thạo tiếng Đức mà với ngoại hình có mái tóc vàng và đôi mắt xanh, giống đặc trưng của người Aryan mà Đức Quốc xã coi là “chủng tộc thượng đẳng”, ông có thể dễ dàng che dấu thân phận của mình.

Theo một kế hoạch phức tạp đã được vạch ra vào năm 1943, ông đưa những đứa trẻ đi bằng tàu hỏa từ Aix-les-Bains tới nhà ga xe lửa ở làng Annemasse đông nam nước Pháp. Khi đến nơi, những đứa trẻ mang theo giấy tờ tùy thân giả đi qua khu vực cửa ra vào có gắn biển hiệu “Lối đi này dành cho những người cắm trại”, với sự hỗ trợ của các nhân viên đường sắt.  Trẻ em sau đó được cho ăn uống và trú ẩn tại một trung tâm tiếp nhận. Khoảng một hoặc 2 ngày sau khi đến Annemasse, Georges Loinger đưa bọn trẻ đến một sân chơi.

Khi trả lời phỏng vấn trong chương trình: “Giải cứu trẻ em: Ký ức về thảm họa diệt chủng” vào năm 2002, ông Georges Loinger nhớ lại: “Chúng tôi chơi cho đến tận nửa đêm. Bọn trẻ mải mê với các trò chơi và hầu như quên đi những nguy hiểm đang rình rập xung quanh chúng tôi. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi đi bộ tới khu vực biên giới, cách xa các con đường”.

Khi cả nhóm tới khu vực biên giới, ông Loinger gặp một người lính của Phong trào kháng chiến. Người này đã giúp bọn trẻ vượt qua hàng rào dây thép gai để bước vào lãnh thổ Thụy Sỹ. Sau đó, một người lính khác đưa bọn trẻ đến nơi an toàn. Hoạt động này được sự trợ giúp của thị trưởng Annemasse, ông Jean Deffaugt và Ernest Balthazard, người điều hành trung tâm tiếp nhận. Trong suốt thời gian này, Loinger cùng các đồng nghiệp đã cứu ít nhất 350 trẻ em.

Joseph Urie Loinger sinh ngày 29/8/1910 tại Strasbourg, Pháp, ở khu vực Alsace gần Đức. Cha của ông, Salomon là một người nhập cư từ Ba Lan, kiếm sống bằng nghề bán các vật dụng trong gia đình. Mẹ ông là Mina (Werzberg) Loinger sinh ra tại Romania. Vì hành động dũng cảm của mình, ông Urie Loinger đã được chính phủ Pháp trao tặng Huân Chương kháng chiến. Năm 2016,  ông nhận được Bằng khen của chính phủ Đức. Con trai ông cho biết, trước khi qua đời, ông đã nói những lời cuối cùng: “Không ai có thể phá hủy nền văn hóa Do Thái”./.