Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của gần 400 Uỷ viên trung ương và ủy viên dự khuyết. 

Diễn ra trong thời gian 4 ngày, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận phương án đi sâu cải cách toàn diện nhằm định hướng phát triển cho Trung Quốc trong thời gian từ 5-10 năm tới.

binh_copy.jpg
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị (Ảnh Tân Hoa xã)

Được so sánh với những kỳ hội nghị mang dấu ấn bước ngoặt lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc như Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 năm 1978 khi Trung Quốc quyết định tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, hay hội nghị Trung ương 3 khóa 14 năm 1993 Trung Quốc quyết định xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Hội nghị lần này được người dân Trung Quốc kỳ vọng rất lớn.

Từ nhiều tháng trước khi diễn ra hội nghị, các vấn đề như cải cách cái gì, cải cách thế nào là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc.

Theo Giáo sư Lưu Thụy tại Học viện Tài chính Trường Đại học nhân dân Trung Quốc, phương án cải cách sẽ đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực như một thể thống nhất, tuy nhiên vấn đề chuyển đổi chức năng chính phủ, làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ với thị trường có thể là vấn đề quan trọng nhất.

“Trong đợt cải cách trước, Chính phủ đã xây dựng hệ thống điều tiết vĩ mô, tuy nhiên quá trình làm đã có phần đi quá đà, khiến quyền lực tập trung quá nhiều vào chính quyền Trung ương. Trong đợt cải cách lần này phải giao bớt quyền cho cấp dưới. Chính phủ cũng cần hạn chế sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương vào hoạt động kinh tế. Quyền điều tiết kinh tế vĩ mô chính do chính quyền Trung ương nắm. Hoạt động thị trường nên để doanh nghiệp tự triển khai. Chính quyền địa phương chủ yếu tham gia vào xây dựng dân sinh, xây dựng xã hội. Đây mới là một thể chế kinh tế thị trường phù hợp”, Giáo sư Lưu Thụy nhấn mạnh.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, công cuộc cải cách của nước này đang ở “vùng nước sâu”, tức là vấn đề dễ đã được giải quyết, còn lại là các vấn đề khó. Trở lực cải cách là rất lớn, đặc biệt là trở lực đến từ các nhóm lợi ích.

Giáo sư Cốc Nguyên Dương từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Trước kia chính phủ muốn tập trung quyền lực càng lớn càng tốt. Do vậy hình thành các nhóm lợi ích. Bây giờ thông qua cải cách hành chính, một số quyền lực sẽ giảm đi hoặc không còn và như thế lợi ích nhóm cũng sẽ giảm. Đây sẽ là trở lực lớn nhất của công cuộc cải cách lần này. Nhưng nếu làm được thì cũng sẽ giúp phòng ngừa hiện tượng tham nhũng”.

Ngoài các vấn đề trên, hàng loạt các vấn đề quan trọng khác như cải cách chế độ đất đai, hộ tịch, tài chính tiền tệ, quản lý hành chính, tài sản nhà nước dự kiến cũng sẽ được đưa ra xem xét. Phạm vi cải cách cũng sẽ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế, mà mở rộng sang lĩnh vực chính trị, xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm đáng kể sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm gần 10% trong hơn 30 năm qua. Tiếp tục đi sâu cải cách để tạo ra động lực tăng trưởng mới đang là hướng đi của chính phủ Trung Quốc hiện nay. Cải cách cũng được cho là biện pháp để Trung Quốc giải quyết các vấn đề xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020./.