Giờ Trái đất kéo dài từ 20h30 đến 21h30 tối 29/3 đã được các nước trên toàn thế giới hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực khác nhau, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng những thói quen lâu dài để bảo vệ hành tinh của chúng ta trước những thách thức của biến đổi khí hậu. 

gtd.jpg
Người dân trên khắp thế giới đón chào Giờ Trái đất (Ảnh: Reuters)

Đã thành thông lệ, Australia luôn hưởng ứng Giờ Trái đất với tư cách một trong những điểm đầu tiên trên thế giới tắt đèn vì chiến dịch bảo vệ môi trường lớn nhất này. Được Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) phát động tại Australia từ năm 2007 đến nay, Giờ Trái đất đã trở thành sự kiện môi trường lớn nhất thế giới, nâng cao nhận thức của người dân trên toàn Trái đất đối với các vấn đề môi trường, từ chống chặt phá rừng cho tới tiết kiệm năng lượng.

Chủ đề của chiến dịch Giờ Trái đất ở Australia năm nay là “Tắt đèn vì Rạn san hô” nhằm kêu gọi bảo vệ hơn nữa Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef đang có nguy cơ bị xóa sổ. Trong vòng 1 giờ, Nhà hát Con Sò (Opera House), Cầu cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge) và rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác ở Australia đã tắt đèn để phát đi thông điệp mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Tại Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Canberra, gần 4.000 ngọn đã nến xếp thành dòng chữ “Tắt đèn vì Rạn san hô” để nhấn mạnh chủ đề của chiến dịch năm nay. Hình thức thắp nến theo chủ đề cũng được áp dụng ở nhiều địa điểm khác. Giới chức Australia cho biết năm nay có hơn 1.000 địa điểm đăng ký hưởng ứng Giờ Trái đất, con số lớn nhất từ trước tới nay.

Tại Hồng Công, Trung Quốc, đây là năm thứ 6 liên tiếp những tòa nhà chọc trời ven biển của thành phố cảng xinh đẹp này tắt đèn để hưởng ứng Giờ Trái đất.

Người phát ngôn của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF) tại Hongkong, Cheung Chi Wah cho biết:“Năm nay chúng tôi không chỉ khuyến khích người dân tắt bớt đèn trong Giờ Trái đất mà còn mong muốn họ thay đổi cách hành xử hàng ngày để thói quen này duy trì lâu dài ở Hongkong”.

Một thanh niêm 20 tuổi ở Hongkong cũng chia sẻ:“Trong cuộc sống hàng ngày, tôi làm rất nhiều việc để bảo vệ Trái Đất. Ví dụ tôi không tắm quá lâu vì tôi biết rằng điều này có thể gây lãng phí nước. Hơn nữa, tôi cũng luôn để các thiết bị điện tử của mình sử dụng chế độ tiết kiệm điện nhất vì Trái Đất và vì những điều khác nữa”.

Những tòa nhà tráng lệ của Dubai, thành phố xa hoa bậc thế giới và được coi là biểu tượng thịnh vượng của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, cũng rũ bỏ vẻ lung linh của mình để hưởng ứng Giờ Trái Đất. Còn tại Ấn  Độ, các tượng đài và những công trình mang tính biểu tượng cũng tắt đèn tối qua để hưởng ứng Giờ Trái Đất.

Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách hợp tác của Nokia tại Ấn Độ Sandeep Bhargava cho rằng, bên cạnh những hoạt động như Giờ Trái đất, cộng đồng cần có những thay đổi lâu dài hơn nữa: “Chúng ta phải vượt ra khỏi khuôn khổ Giờ Trái đất và một trong những yếu tố thúc đẩy điều đó chính là công nghệ và năng lượng tái tạo. Chính vì thế mà trong 10 năm qua chúng tôi đã hợp tác với Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới để phát triển những ứng dụng khuyến khích mọi người đưa ra các ý tưởng và biến điều đó thành hành động mang ý nghĩa đối với kinh tế môi trường”.

Tại Anh các biểu tượng nổi tiếng của Thủ đô London như Nhà Quốc hội, Điện Buckingham và Vòng đu quay Đôi mắt London đã đồng loạt tắt điện trong chiến dịch hưởng ứng Giờ Trái đất dự kiến có khoảng 10 triệu người Anh tham gia.

Năm ngoái, Giờ Trái đất đã được hưởng ứng tại trên 7.000 thành phố và thị trấn thuộc 154 quốc gia. Năm nay, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới phát động Giờ Trái đất Xanh nhằm giúp những người tham gia có thể gây quỹ và thực hiện hành động góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới, sự kiện Giờ Trái đất được thực hiện trong mấy năm qua không chỉ giúp nâng cao nhận thức đối với môi trường mà còn hướng con người tới những hành động có ý nghĩa bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất. Bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney với khoảng 2 triệu người, tới nay đã có hàng trăm triệu người trên thế giới hưởng ứng.

Ước tính khoảng 7.000 thành phố ở ít nhất 154 quốc gia tham gia Giờ Trái đất năm nay./.