Tháp Bầu trời (Sky Tower) - biểu tượng của thành phố Auckland, New Zealand, là điểm tắt đèn đầu tiên của Giờ Trái đất năm nay. Thay vì các thiết bị điện, cả thành phố Auckland được thắp sáng trong ánh nến lung linh.

Sau New Zealand, thủ đô Canberra của Australia đã thắp sáng dòng chữ khổng lồ bằng ánh nến “Tắt điện vì Dải San hô”, mở màn cho hoạt động tắt đèn trên cả nước nhằm phát đi thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ Dải san hô Great Barrier - là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới, ở phía Đông Bắc Australia, trước ảnh hưởng của biến đối khí hậu. 

Áp phích cổ động chiến dịch Giờ Trái đất (Ảnh AP)

Trong vòng 1 giờ đồng hồ, từ 20h30-21h30, các nước trên thế giới lần lượt tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết để hưởng ứng một trong những hoạt động vì môi trường có quy mô lớn toàn cầu.

Sự kiện Giờ Trái đất năm nay, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên phát động chiến dịch thúc đẩy cam kết của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ hành tinh bằng cách nêu ra câu hỏi: “Bạn phải làm gì thể hiện sự tôn trọng với Trái đất?”.

Không chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, Giờ Trái đất còn mang ý nghĩa lớn hơn khi trở thành chiến dịch mà trong đó, tất cả mọi người trên thế giới cùng nhau đoàn kết và thể hiện quyết tâm hành động trong suốt cả năm để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Liên Hợp Quốc tuyên bố hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm nay thông qua việc tắt đèn trong vòng ba giờ đồng hồ, từ 19h-22h ngày 29/03 tại trụ sở chính ở New York, Mỹ.

Các văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, cũng như nhiều địa điểm nổi tiếng khác trên thế giới cũng trải qua 1 giờ đồng hồ trong bóng tối đầy ý nghĩa này./.