Theo kết quả thăm dò của báo Nikkei công bố hôm nay (30/6) có tới một nửa số người  dân được hỏi tuyên bố phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với chính sách phòng vệ tập thể của Nhật Bản, động thái được xem là một bước ngoặt lịch sử đối với nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

quan%20doi%20nhat%20ban_dpxr.jpg 

Quân đội Nhật Bản (ảnh: Wikia)

Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất thực hiện từ ngày 27-29/6, một nửa số người được hỏi đã lên tiếng phản đối việc dỡ bỏ một lệnh cấm đối với chính sách phòng vệ tập thể, mở đường cho quân đội nước này tham gia các hoạt động quân sự ngoài nước, chỉ có 34% ủng hộ trong khi số còn lại chưa quyết định. Cũng theo kết quả thăm dò trên, có tới 54% phản đối việc thay đổi thông qua giải thích lại chứ không phải là một hành động chính trị chính thức như sửa đổi hiến pháp khi coi đây là hành động “bóp méo luật pháp”.

Theo dự kiến, vào ngày mai (1/7), chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết giải thích lại hiến pháp để dỡ bỏ lệnh cấm chính sách phòng vệ tập thể sau khi đạt được thỏa thuận với các đảng phái đối lập.

Nếu nghị quyết được thông qua, Nhật Bản sẽ có quyền sử dụng hành động quân sự tối thiểu, hỗ trợ đồng minh trong trường hợp các nước này bị tấn công quân sự.

Giới chuyên gia cho rằng, động thái này của Nhật Bản có thể gây căng thẳng với Trung Quốc trong khi mối quan hệ giữa hai cường quốc khu vực này đang ở mức xấu nhất nhiều năm qua liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Ngược lại, Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực Đông Nam Á như Philipines lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với bước đi nhằm tăng cường vai trò an ninh trong khu vực này của Nhật Bản trước các động thái đòi hỏi chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc./.