Ba bên trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề quốc tế trong đó tập trung vào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong đó bao gồm đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, công bố đường lối Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tại hội đàm, Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Motegi Toshimitsu một lần nữa phê phán hành vi phóng tên lửa liên tục của Triều Tiên gần đây là đe dọa tới hòa bình, an ninh của Nhật Bản, khu vực và thế giới, đồng thời kêu gọi 3 nước tăng cường hợp tác hơn nữa hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí với ý kiến của Nhật Bản.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ vẫn theo đuổi lộ trình nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn. Mặc dù gần đây, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, nhưng Mỹ vẫn theo đuổi việc đàm phán với Triều Tiên, và không có ý định thù địch nào đối với Triều Tiên.
Trong tháng này, Triều Tiên đã 3 lần liên tiếp phóng tên lửa bao gồm 2 tên lửa hành trình vào ngày 11 và 12/9, 2 tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9. Tất cả những tên lửa này đều được cho là đã rơi vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, những vấn đề khác liên quân đến động thái của Trung Quốc, tình hình Myanmar, cơ chế hợp tác an ninh mới giữa Mỹ-Anh-Australia, hợp tác biến đổi khí hậu… đã được thảo luận.
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Motegi đã tiến hành hội đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Mỹ Blinken.
Hai bên đã trao đổi ý kiến về cơ chế an ninh mới do Mỹ, Anh và Australia thiết lập vào tuần trước, đồng thời thống nhất hợp tác trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương tự do và rộng mở do Nhật-Mỹ-Australia-Ấn Độ đồng chủ trì. Những vấn đề khác như việc Trung Quốc xin gia nhập vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được đề cập.
Trong khi đó, hạ viện Mỹ vừa nhất trí thông qua sửa đổi ngân sách quốc phòng cấm công dân Mỹ mua hoặc bán trái phiếu chính phủ mới được phát hành của Nga trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.
Theo Bloomberg, lệnh cấm bao gồm trái phiếu dưới bất kỳ hình thức nào do Ngân hàng trung ương Nga, Quỹ Phúc lợi quốc gia Nga và Kho bạc Liên bang Nga phát hành với thời gian đáo hạn trên 14 ngày. Sửa đổi cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia Mỹ có trách nhiệm giải trình với Tổng thống về bất kỳ nghi ngờ can thiệp nào đối với các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Tổng thống sau đó sẽ phải quyết định xem có nên đình chỉ hoặc gia hạn các biện pháp trừng phạt hay không.
Phòng Thương mại Mỹ trước đó đã lên tiếng phản đối sáng kiến khi cho rằng sẽ hạn chế khả năng của các ngân hàng Mỹ trong việc phục vụ các khách hàng doanh nghiệp đang làm việc tại Nga. Theo Phòng Thương mại Mỹ, sửa đổi không những không gây ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thu hồi vốn của Nga trên thị trường toàn cầy, mà ngược lại còn gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty Mỹ tại Nga.
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử tại Mỹ, cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ./.