Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16/6 tuyên bố, bảo vệ các đại dương và đời sống sinh vật biển trước tác động của biến đổi khí hậu là “vấn đề an ninh toàn cầu mang tính sống còn”. Phát biểu tại hội nghị “Đại dương của chúng ta” diễn ra 2 ngày tại Washington (Mỹ), ông Kerry nhấn mạnh, việc bảo vệ các đại dương là vấn đề an ninh quan trọng bởi nó liên quan đến kế sinh nhai, khả năng con người tồn tại và sinh sống. 

tn_bien_bfmh.jpg 

Bảo vệ đại dương là vấn đề an ninh toàn cầu (ảnh minh họa)

Ông Kerry cho biết tình trạng ô nhiễm đã gây ra 500 “vùng chết”, nơi đời sống sinh vật biển không thể tồn tại. Ngọai trưởng Kerry cho rằng, cần vận động tích cực hơn để tiến tới một thỏa thuận của Liên Hợp Quốc chống ô nhiễm carbon, bởi khoa học đã chứng minh đây là cách duy nhất để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, một trong những mối đe dọa lớn nhất không chỉ đối với các đại dương, mà đối với cả hành tinh.

Cũng tại Hội nghị, Tổng thống Cộng hòa Kiribati, Anote Tong nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang gây triều cường, khiến dân cư các làng ven biển phải sơ tán, vụ mùa bị tàn phá tại quốc đảo ở Thái Bình Dương này. Tổng thống Anote Tong nói: “Mới đây, đặc biệt vào đầu năm nay, đất nước chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của tình trạng ngập lụt, vùng ven biển bị xâm thực, xói mòn do triều cường. Một số nơi toàn bộ làng mạc phải sơ tán do tình trạng xâm thực, vụ mùa bị tàn phá, và nước nhiễm mặn do nước biển dâng. Tình trạng này diễn ra đối với chúng tôi là vấn đề rất đáng báo động và nó không phải là chu trình thời tiết bình thường”.

Các doanh nghiệp, các nước giàu phát thải nhiều như Mỹ, Nhật Bản, cùng các nước Liên minh châu Âu muốn xây dựng một cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng thị trường carbon nhằm giảm khí thải một lần nữa gặp thất bại hôm 15/6 khi hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Bon (Đức) kết thúc với nhiều bất đồng./.