Ngoại trưởng Gentiloni là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới thăm Libya kể từ khi chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên Hợp Quốc ủng hộ đến Tripoli làm việc cách đây 2 tuần.

italy_avod.jpg
Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni. Ảnh Reuters

Phát biểu trong cuộc họp báo tại một căn cứ Hải quân ở Tripoli, nơi Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đang hoạt động, ông Gentiloni bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của ông sẽ là tiền lệ để các nước khác đi theo.

Ông Gentiloni cho biết thêm hai bên đang nghiên cứu và thảo luận khả năng Italy mở lại đại diện ngoại giao ở Tripoli.

“Điều chúng ta có thể nghĩ tới trong tương lai là sự hợp tác trong các lĩnh vực được dỡ bỏ phong phong tỏa. Điều này có thể giúp chính quyền Libya mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố. Người đứng ra thực hiện tiến trình này chính là người dân, Hội đồng Tổng thống và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya”, ông Gentiloni nói.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký kết dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc tại Marốc cuối năm ngoái. Ngày 30/03 vừa qua, Thủ tướng al-Sarraj đã về Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp sự phản đối của các phe phái đối địch tại nước này.

Các cường quốc phương Tây hy vọng chính phủ mới có thể đoàn kết các phe phái đối địch Libya, chấm dứt khủng hoảng chính trị. Libya cũng cần nhờ tới sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đối phó với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nạn buôn người vượt Địa Trung Hải.

Cùng ngày, tại thủ đô Tunis của Tunisia Hội nghị trợ giúp quốc tế dành cho Libya đã khai mạc dưới sự bảo trợ của Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Libya. Hội nghị có sự tham dự của đại diện cấp cao của 40 nước Arab và Phương Tây cùng một số định chế tài chính và tổ chức khu vực, với mục đích giúp đỡ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya xác định những mục tiêu và ưu tiên nhằm tiếp tục tiến trình giải quyết khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này./.