Theo thỏa thuận lịch sử được các nhà lãnh đạo EU đạt được tại Brussels đầu tuần này sau hơn 4 ngày họp Thượng đỉnh marathon, ngoài gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro dành cho các nước sau đại dịch Covid-19, các nước cũng đồng ý khoản ngân sách cho EU trong giai đoạn 2021-2027 là 1.074 tỷ euro.

Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, trong phiên họp chiều ngày 23/7, mặc dù hoan nghênh thỏa thuận về gói 750 tỷ euro nhưng các nghị sĩ châu Âu đã bỏ phiếu bác bỏ dự trình về ngân sách, với đa số phiếu áp đảo, gồm 465 phiếu chống so với 150 phiếu thuận.

Theo Chủ tịch Nghị viện châu Âu, David Sassoli, nguyên nhân là vì dự thảo ngân sách của EU trong 7 năm tới cắt giảm quá nhiều nguồn tài chính trong một số lĩnh vực quan trọng.

“Hiện đang có một đề xuất được thảo luận nhưng chúng tôi muốn cải thiện đề xuất này bằng cách cố gắng đưa ra câu trả lời thỏa tháng cho những cắt giảm ngân sách mà chúng tôi thấy không hợp lý. Nếu châu Âu muốn đặt niềm tin vào thế hệ tương lai thì không thể cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu, cho giới trẻ và cho chương trình học bổng Erasmus”.

Theo dự thảo ngân sách được Ủy ban châu Âu trình lên Nghị viện châu Âu, khối này sẽ có ngân sách 1.074 tỷ trong 7 năm tới. Tuy nhiên, đây là con số thấp hơn đề xuất ban đầu của chính Ủy ban châu Âu là 1.100 tỷ euro và kém xa con số do Nghị viện châu Âu đề xuất là 1.300 tỷ euro.

Các nghị sĩ châu Âu cho rằng với ngân sách mới, rất nhiều lĩnh vực như công nghệ số, khí hậu, thanh niên, văn hóa… sẽ không được đầu tư đầy đủ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng lo ngại là ngân sách mới sẽ có thể đe dọa chiến lược ưu tiên hàng đầu của khối là “Hiệp ước Xanh” với tham vọng đến năm 2050 biến EU thành khu vực không có khí thải carbon.

Việc Nghị viện châu Âu đe dọa bác bỏ ngân sách 2021-2027 tuy không làm thất bại thỏa thuận lịch sử về gói phục hồi 750 tỷ euro nhưng cũng sẽ khiến các kế hoạch phục hồi kinh tế của khối sau đại dịch Covid-19 bị ảnh hưởng bởi một phần lớn ngân sách 7 năm tới của EU cũng là để dành cho việc tái cơ cấu các nền kinh tế, phục vụ các ưu tiên phát triển mới thời hậu Covid-19./.