Việc bỏ phiếu khẩn cấp được tiến hành ngày 17/9 sau khi Bộ trưởng Nội vụ của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu không đạt được sự đồng thuận đối với kế hoạch của Ủy ban Châu Âu trong cuộc họp ngày 14/9 vừa qua.
Việc Nghị viện Châu Âu ủng hộ kế hoạch của Ủy ban Châu Âu sẽ tăng sức ép lên các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu khi họ tái họp vào thứ Ba tuần tới.
Cảnh sát Croatia quan sát đám đông người tị nạn tại một nhà ga ở nước này. Ảnh Reuters |
Phát biểu trước khi bỏ phiếu diễn ra, ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay sẽ còn kéo dài và kêu gọi các nước hãy hành động ngay trên tinh thần nhân đạo.
“Chúng tôi rất biết ơn Nghị viện Châu Âu đã thấu hiểu tính cấp thiết của vấn đề. Đã đến lúc chúng ta phải hành động ngay dựa trên nguyên tắc nhân đạo. Chúng ta không ủng hộ việc mở cửa tất cả biên giới, nhưng chúng ta ủng hộ hành động theo lương tâm, không thể nói với người tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh và khủng bố rằng các bạn hãy rời xa Châu Âu”, ông Timmermans nói.
Ủy ban châu Âu đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu khẩn cấp của Nghị viện châu Âu, dọn đường cho Hội đồng Châu Âu sẽ có động thái tương tự. Nếu Hội đồng Châu Âu đồng ý với kế hoạch trên, Ủy ban Châu Âu sẽ xúc tiến làm việc với các nước thành viên và các cơ quan có liên quan để thực hiện ngay việc phân bổ người tị nạn, đồng thời giảm áp lực lên các nước thành viên bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trước đó cùng ngày, Croatia cho biết, 6.000 người di cư đã tràn vào nước này trong chưa đầy 24 giờ và dự kiến con số này sẽ lên tới hơn 20.000 người trong 2 tuần tới.
Cùng với Romania, Croatia đang trở thành sự lựa chọn khả thi mới với hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt ở bán đảo Balkan sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia. Tuy nhiên, Hungary đóng cửa biên giới cũng đã gây căng thẳng giữa các nước châu Âu liên quan đến việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư.
Bộ trưởng Y tế Croatia, Sinisa Varga dự báo dòng người di cư vào nước này sẽ lên tới đỉnh điểm trong vòng hai tuần tới. Bộ Nội vụ nước này cũng xác nhận đã có hơn 6.200 người di cư vượt biên giới Serbia vào Croatia trong gần 24 giờ qua. Nước này cũng đã triển khai khoảng 6.000 binh lính để kiểm soát dọc biên giới Serbia.
Những người di cư sau khi lọt qua biên giới Croatia đều muốn nhanh chóng bắt tàu hỏa và xe buýt để tới thủ đô Zagreb, sau đó sẽ tìm đường tới các nước Bắc Âu hoặc Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Croatia Ranko Ostojic cảnh báo nước này không đủ khả năng để đối phó với dòng người di cư có thể lên tới "hàng chục nghìn người" sau khi Hungary chặn biên giới với Serbia.
“Chúng tôi đã hết khả năng tiếp nhận người tỵ nạn. Chúng tôi đang đề nghị tất cả nước trên tuyến đường này gồm Hy Lạp, Macedonia, Serbia phải tôn trọng tất cả những hợp đồng, bản ghi nhớ, công ước. Họ cần phải có nghĩa vụ giống như Croatia tiếp nhận người tỵ nạn”, ông Ostojic nói.
Trước đó, ngày 16/9, Hungary đã cho đóng cửa khu vực biên giới giáp với Serbia. Cảnh sát Hungary đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để chống lại những người di cư cố tìm mọi cách vượt qua hàng rào dây thép gai.
Từ khi luật di trú mới của Hungary có hiệu lực ngày 15/9 và hàng rào chặn người di cư của nước này được hoàn thành trên toàn tuyến biên giới với Serbia, một số lượng lớn người di cư đang bị mắc kẹt ở khu vực biên giới Hungary- Serbia buộc phải tìm con đường khác nếu muốn tiếp tục đi tới lãnh thổ của một nước thuộc Liên minh châu Âu.
Chính vì thế dòng người di cư đã chạy đến khu vực biên giới Romania và Croatia. Điều này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các nước châu Âu liên quan đến vấn đề người di cư.
Ngày 17/9, Romania đã triệu Đại sứ Hungary tại nước này liên quan đến kế hoạch của Hungary kéo dài hàng rào biên giới sang cả biên giới với Romania nhằm ngăn chặn dòng người di cư tìm cách đến Tây Bắc Âu. Theo phía Romania, đây hành động không đúng đắn về mặt chính trị và đi ngược lại tinh thần châu Âu.
Cùng ngày, Serbia đã trao công hàm phản đối chính thức cho Hungary do việc nước này sử dụng hơi cay trên lãnh thổ Serbia, đồng thời thông báo nước này sẽ điều thêm cảnh sát tới khu vực biên giới 2 nước./.