Dự luật Công lý Chống bảo trợ khủng bố (còn gọi là Dự luật 11/9) cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự thay đổi đối với dư luật này nhằm bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ tại nước ngoài.

khung_bo_bgws.jpg
Hình ảnh vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9. Ảnh: Reuters

Theo Thượng Nghị sĩ Mỹ Mitch McConnell, việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với luật Công lý Chống bảo trợ khủng bố có thể mang lại những hệ lụy to lớn đối với nước Mỹ.

Trong khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan thì cho rằng, Quốc hội Mỹ cần phải có sự thay đổi đổi với dự luật nhằm bảo vệ quân đội Mỹ ở nước ngoài.

Ông Ryan không đưa ra thời gian cụ thể cho việc sửa đổi song theo thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao thuộc Thượng viện Mỹ, luật Công lý Chống bảo trợ khủng bố có thể được đưa ra thảo luận trong phiên họp của Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Phản ứng trước diễn biến trên, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã lên tiếng đối với các nghị sĩ Quốc hội khi có sự thay đổi về tâm lý "nhanh như chong chóng", từ việc phủ quyết dự luật đến việc muốn thay đổi dự luật. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Obama sẵn sàng đàm phán lại với các nghị sĩ nhằm thu hẹp những tác động mà dự luật gây ra.

“Tôi không biết vấn đề này rồi sẽ đi đến đâu. Song tôi biết rằng có một số thành viên Quốc hội đang quan tâm đến việc làm sạch đống hỗn độn mà họ đang gây ra. Ngay từ đầu, Tổng thống Mỹ đã rất quan tâm đến vụ việc này. Nếu các nghị sĩ Cộng Hòa cũng có chung quan điểm với Tổng thống Obama, ông sẵn sàng có cuộc thảo luận lại với họ về dự luật này, dù đã quá muộn”.

Trước đó, Tổng thống Obama cũng đã phản đối quyết định trên, cho rằng đây là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.

Ngày 28/9, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với dự luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, với tỉ lệ áp đảo 338 phiếu thuận và 74 phiếu chống - vượt qua mức đa số 2/3 cần thiết theo luật định, qua đó giúp dự luật này chính thức trở thành luật. Trước đó cùng ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã có cuộc bỏ phiếu tương tự với kết quả áp đảo gần như tuyệt đối 97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống.

Đây là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.

Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối Tổng thống Obama và với Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Arab. Nhiều khả năng quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự.

Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài. Đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu.

Theo ông Thomas Lippman, một chuyên gia Saudi Arabia tại Viện Trung Đông Mỹ: vụ việc đã khiến quan hệ Mỹ - Saudi Arabia phải đối mặt với sự tổn thương sâu sắc nhất trong vòng 70 năm qua. Bỏi lẽ, Mỹ và Saudi Arabia hiện nay cần và phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với trước kia.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia hôm qua cũng đã lên tiếng chỉ trích việc Quốc hội Mỹ mở đường cho phép gia đình các nạn nhân vụ 11/9 kiện một quốc gia. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã gọi đây là một vụ việc gây quan ngại, làm xấu đi quyền miễn trừ quốc gia và gây ra những tác động tiêu cực đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Mỹ./.